Hướng đi mới của cơ sở Út Máy Cày

Cập nhật ngày: 25/12/2015 13:10:39

Nhiều năm gắn bó với sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà, những năm qua, cơ sở Út Máy Cày ở phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh là địa chỉ tin cậy không những của nông dân trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Máy ép trấu viên, một sáng chế của cơ sở Út Máy Cày

Với những sáng chế và cải tiến độc đáo trên nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy gặt đập liên hợp, máy cày... cơ sở Út Máy Cày có nhiều đóng góp trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, cơ sở Út Máy Cày cũng gặp khó khăn như nhiều cơ sở sản xuất máy cơ khí khác ở ĐBSCL khi phải cạnh tranh với các thương hiệu máy nông nghiệp nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản do thiếu đầu tư về dây chuyền sản xuất, máy móc chế tạo còn lạc hậu so với mặt bằng chung của ngành cơ khí trong khu vực. Do đó, ít nhiều máy móc được sản xuất tại địa phương vẫn vướng phải một số hạn chế về chất lượng, mẫu mã nên rất khó cạnh tranh với các dòng máy cùng loại được nhập khẩu.

Ông Huỳnh Văn Út- chủ cơ sở sản xuất Út Máy Cày chia sẻ: “Có dịp đi nhiều nơi nghe anh em đồng nghiệp chia sẻ, tôi thấy rất trăn trở. Phần lớn cơ sở cơ khí cho rằng, dù chiếc máy từ cơ sở trong nước sản xuất có hoàn chỉnh thế nào thì vẫn có nhược điểm là máy móc hay hư hỏng do linh kiện chấp vá, không đồng bộ, mỗi lần hư tìm phụ tùng thay thế rất khó khăn. Nếu có những chiếc máy chuyên chế tạo các linh kiện đồng bộ để lắp ráp hoàn chỉnh máy nông nghiệp chất lượng cao, thì máy nông nghiệp sản xuất hoàn chỉnh trong nước chắc sẽ không thua kém máy nhập từ nước ngoài”.

Từ những trăn trở đó, năm 2015, ông Huỳnh Văn Út có quyết định táo bạo khi đầu tư số tiền trên 2 tỷ đồng để lắp đặt một số dây chuyền sản xuất mới với nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất và thiết kế chi tiết máy như: máy phay CNC, máy tiện CNC... được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.

Dây chuyền sản xuất mới này sẽ là “trợ thủ” đắc lực giúp cơ sở chủ động vấn đề về thiết kế và sản xuất được những dòng máy có chất lượng ổn định.

Hiện tại, với những nhu cầu mới về thị trường, ông Huỳnh Văn Út cho biết: “Lúa gạo là ngành hàng thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung. Hiện tại, từ khâu sản xuất, thu hoạch rồi chế biến ngành hàng này cần có nhiều máy móc để sản xuất. Thị phần dành cho lĩnh vực này còn khá lớn, do đó với dây chuyền đầu tư mới này, tôi sẽ mở rộng sản xuất một số máy móc mà thị trường đang có nhu cầu lớn như: máy ép trấu viên (phục vụ ngành công nghiệp), máy chở lúa và thiết kế một số phụ tùng cơ khí... Với dây chuyền máy móc này, ước tính đơn vị có thể sản xuất 30 máy/năm và hơn 1.000 chi tiết cơ khí/năm”.

Mặc dù mới đưa vào sản xuất nhưng khách hàng ở nhiều nơi đánh giá rất cao về chất lượng những loại máy mới do đơn vị Út Máy Cày sản xuất. Hiện tại, máy ép trấu viên của cơ sở Út Máy Cày là một trong những sản phẩm thế mạnh của đơn vị, được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Với công suất thiết kế có thể sản xuất từ 1 - 1,2 tấn thành phẩm/giờ từ nguyên liệu trấu hoặc mùn cưa. Sản phẩm này hứa hẹn một tiềm năng mới cho các doanh nghiệp sản xuất củi trấu viên. Máy ép trấu viên hiện được bán với giá 600 triệu đồng/chiếc, khi mua máy, khách hàng sẽ được cơ sở bảo hành và tư vấn về kỹ thuật vận hành và sử dụng máy.

Ông Trần Ngọc Bá - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp vẫn có nhiều cơ sở sản xuất xe chở lúa, máy ép trấu viên. Nhưng với chất lượng ổn định và giá cả hợp lý, những sản phẩm của cơ sở Út Máy Cày được khách hàng tín nhiệm và ủng hộ. Hiện tại, cơ sở nhận được nhiều đơn đặt hàng mới từ khách hàng nhiều nơi. Đây là hướng đi khả quan góp phần giúp cho địa phương có được những sản phẩm chất lượng phục vụ cho ngành nông nghiệp và công nghiệp, giảm thiểu được một phần ngoại tệ khi phải nhập khẩu máy móc.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn