Sở Công Thương Đồng Tháp

Kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản

Cập nhật ngày: 04/10/2018 02:37:52

ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp đã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp đưa 5 mặt hàng chủ lực là lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt và hàng chục mặt hàng truyền thống khác đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.


Mặt hàng hoa kiểng đã được kết nối tiêu thụ tại chợ Bình Điền, TP.Hồ Chí Minh

Theo Sở Công Thương, thời gian qua tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều thuận lợi. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã triển khai hỗ trợ và người nông dân đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, hướng đến việc hình thành sản xuất mang tính bền vững.

Cụ thể, để giúp người nông dân sản xuất có điều kiện phát triển tăng thêm thu nhập, đồng thời quảng bá hình ảnh, sản phẩm nông sản của địa phương, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, giúp nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản. Đặc biệt, Sở đã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp đưa 5 mặt hàng chủ lực là lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt và hàng chục mặt hàng truyền thống khác đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong đó, đối với 5 mặt hàng chủ lực, Sở đã phối hợp với các ngành hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tham gia vào chương trình liên kết sản xuất tiêu thụ. Cụ thể, trong vụ đông xuân năm 2017-2018, đã có 63 công ty thực hiện liên kết tiêu thụ với diện tích gần 14.500ha, sản lượng tiêu thụ gần 77.000 tấn. Riêng đối với mặt hàng xoài, trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở đã kết nối tiêu thụ qua thị trường Úc với sản lượng 20 tấn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị tiêu thụ những sản phẩm gạo sản xuất theo hướng hữu cơ, theo hướng an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP).

Về mặt hàng hoa kiểng, thời gian qua, Sở đã kết nối tiêu thụ hoa kiểng giữa Hợp tác xã (HTX) Hoa kiểng Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc với chợ Bình Điền, TP.HCM hỗ trợ mặt bằng tiêu thụ hoa vào dịp Tết và tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ số lượng cây cảnh công trình với giá trị tương đương 500 triệu đồng... Sở cũng đang kết nối với Hội Sinh vật cảnh Bình Chánh, TP.HCM mở cửa hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm tại TP.HCM và kết nối với các điểm du lịch cung cấp tiêu thụ các mặt hàng hoa kiểng của HTX.

Sở Công Thương Đồng Tháp cũng phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM cấp mã vạch truy suất nguồn gốc cho HTX vịt Mỹ Hòa, Tháp Mười để bán vào thị trường TP.HCM thông qua Công ty Vĩnh Thành Đạt, trong năm 2017 đã xuất bán được 1 triệu trứng. Riêng mặt hàng cá tra được một số doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng như: dầu cá Ranee, colagen, gelatin, thức ăn chăn nuôi... Mặc dù có khó khăn trong xuất khẩu nhưng do liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nên các doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo và ổn định được nguyên liệu đầu vào, chủ động đầu ra nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ngày càng cao.

Đối với các mặt hàng khác, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh quảng bá nhãn hiệu sản phẩm, tìm kiếm kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Sở đã tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, hội nghị; các hội thảo, diễn đàn, phiên chợ nông nghiệp xanh... Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính chung trong năm 2017, đã có 308 doanh nghiệp tham gia phiên chợ nông nghiệp xanh với 186 gian hàng, thu hút 24.000 lượt khách đến tham quan mua sắm...

Ngoài việc giúp dân tiêu thụ nông, thủy sản ở kênh phân phối truyền thống trong tỉnh như ở các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối..., thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp còn chủ động kết nối với các kênh phân phối hiện đại như: Saigon Co.op, Hapro, SATRA, Big C, Lotte, Vinmart, Siêu thị Tứ Sơn để tiêu thụ các mặt hàng nông đặc sản của tỉnh.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn