Kinh tế nông nghiệp huyện Hồng Ngự phát huy tiềm năng, hướng đến bền vững

Cập nhật ngày: 16/01/2021 06:21:16

ĐTO - Sản xuất nông nghiệp ở huyện Hồng Ngự những năm qua tiếp tục duy trì và phát triển, phát huy được tiềm năng của địa phương, lợi thế khu vực đầu nguồn, theo định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, gắn với liên kết, tiêu thụ nông sản. Trong đó, định hướng các ngành hàng có lợi thế của huyện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến xuất khẩu. Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái.


Xã viên Hợp tác xã rau an toàn Long Thuận (huyện Hồng Ngự) xuống giống vụ hành Tết

Các ngành liên quan, các xã tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trên địa bàn huyện đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 và các kế hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực của huyện: lúa, gạo; bò vỗ béo - bò sinh sản; cá tra giống; cây công nghiệp ngắn ngày; rau củ quả; vịt...; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng nông sản được nâng cao, giảm giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Năng suất lúa giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 6,5 tấn/ha/vụ, lợi nhuận bình quân ước đạt 20.000.000 đồng/ha; hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái năng suất đảm bảo theo từng loại cây trồng. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng rau trong nhà lưới xã Long Thuận; trồng nấm bào ngư xã Long Khánh B; trồng cây dược liệu xã Phú Thuận A; trồng xen canh mè - lúa; chuyển đổi vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, Long Khánh A, Long Khánh B... Cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng, các khu đê bao, giao thông nội đồng cũng được quan tâm đầu tư xây dựng.

Huyện triển khai thực hiện: dự án VnSat “Phát triển nông nghiệp bền vững” áp dụng sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” tiến tới “1 phải, 5 giảm” ở các xã, thị trấn: Thường Thới Tiền, Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Lạc. Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” (WB9) tại các xã: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Lạc được nông dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, có 99% diện tích lúa thu hoạch bằng máy, 87% diện tích được bơm tưới, tiêu bằng điện; diện tích sử dụng giống lúa xác nhận đạt 75% và 80% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao. Nuôi trồng thủy sản có sự phát triển nhờ tận dụng lợi thế, tiềm năng của khu vực đầu nguồn, sản lượng sản xuất cá tra giống đạt khoảng 415,3 triệu con, đáp ứng nhu cầu cá tra giống tại địa phương và các tỉnh lân cận; huyện được UBND tỉnh chọn thực hiện đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp.

Địa phương xác định kinh tế hợp tác là động lực của sự phát triển, trong đó sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ là trọng tâm, nhất là vai trò của các hợp tác xã. Đến năm 2020, toàn huyện có 15 hợp tác xã hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Mối liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân ngày càng chặt chẽ thông qua hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ, bình quân hàng năm có 3.000ha sản xuất theo hướng liên kết, góp phần ổn định đầu ra nông sản cho nông dân. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện đã có 5 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh (rượu sâm Bảo Thanh, khô cá lóc Tiến Phương, cá thát lát rút xương Tuấn Cường, bún tươi Tú Trinh và bánh canh gạo Tú Trinh).

Năm nay, huyện Hồng Ngự triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030; chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực và phát triển bền vững ngành hàng rau, củ, quả có thế mạnh và truy xuất nguồn gốc theo hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng lớn, hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức lại sản xuất theo các quy trình đạt chuẩn gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc (an toàn vệ sinh thực phẩm, theo hướng GAP và hữu cơ...); phát huy thế mạnh về phát triển thủy sản, trong đó chú trọng phát triển ngành hàng cá tra còn nhiều tiềm năng... Đặc biệt, huấn luyện để người dân làm chủ công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát huy tinh thần tự lực, tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư, gắn kết cộng đồng trong việc chia sẻ các mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ,... làm cơ sở cho việc hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ;...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn