Kinh tế tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng

Cập nhật ngày: 28/06/2018 05:42:23

ĐTO - 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao. Giá trị nông sản, sản phẩm công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, thương mại - dịch vụ đạt mức tăng mạnh.


Cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư

Theo đó, tăng trưởng GRDP đạt 8,38%, tổng giá trị GRDP ước đạt gần 22.600 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 6,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,3%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng gần 11%.

Sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu

Tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp đạt được kết quả quan trọng với những mô hình canh tác thông minh. Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thông minh là một chặng đường dài, với rất nhiều thách thức nhưng hoàn toàn khả thi nếu chúng ta quyết tâm. Theo đó, nông nghiệp 4.0 được định hình từ các nhà khoa học và công nghệ và dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời phải được phủ khắp trên đồng ruộng bởi hàng chục triệu nông dân.

Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần làm giảm giá thành sản xuất từ 550 - 600 đồng/kg. Nổi bật là mô hình canh tác lúa lý tưởng được thực hiện thí điểm tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười. Tất cả các quy trình canh tác từ xuống giống, bón phân đều được cơ giới hóa. Công đoạn quản lý mực nước được tự động hóa và điều khiển bằng điện thoại thông minh. Chính những điểm ưu việt đó mà mô hình có giá thành sản xuất thấp nên lợi nhuận của nông dân tăng lên. Giá tiêu thụ lúa tăng từ 650 - 750 đồng/kg so với cùng kỳ, người sản xuất có lãi tăng từ 10 - 12 triệu đồng/ha.

Điểm nhấn đối với cây ăn trái chính là mô hình trồng dưa lê, dưa lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel trong nhà màng. Đây là mô hình của Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp thực hiện với diện tích 30.000m2 mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện công ty đang mở rộng quy mô sản xuất thêm 20.000m2 nhà lưới.

Ngành hàng hoa kiểng của tỉnh đang phát triển mạnh khi kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp, canh tác gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, bước tiến quan trọng trong canh tác hoa kiểng chính là mô hình trồng hoa kiểng trong nhà màng tại Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông. Với mô hình này, người dân trồng hoa khắc phục được sự phụ thuộc vào thời tiết, giảm tỷ lệ hao hụt, đạt lợi nhuận cao.

Nhận thấy cây ăn trái, hoa kiểng của tỉnh còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) cho biết, công ty sẽ sớm triển khai đầu tư vào 2 ngành hàng hoa Sa Đéc và khai thác vườn cây ăn trái tại cồn Tân Thuận Đông để kết hợp với du lịch nông nghiệp.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện

Theo nhận định của UBND tỉnh, ngành công nghiệp - xây dựng tỉnh nhà tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến thể hiện được vai trò mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng công nghiệp theo hướng tập trung, hiệu quả và bền vững.

Thời gian qua, các ngành, địa phương đã tích cực nắm bắt tình hình và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm duy trì sản xuất nên hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh đều tăng. Ước giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 28 ngàn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Đối với 3 khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy bình quân lần lượt là 97% và 66%. Ngoài ra, tỉnh đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tân Kiều; phối hợp với Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ để thành lập Khu công nghiệp chế biến sâu tại huyện Lấp Vò... Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế ngày càng phát triển là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế tỉnh nhà.

Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2017, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án, tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo thành lập 4 nhóm công tác trên các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp chế biến, du lịch, hạ tầng - logistics và đô thị để cung cấp các thông tin, rà soát hiện trạng, hoàn chỉnh các thủ tục về quy hoạch, đất đai... Hiện có 9 dự án ký kết tại Hội nghị đang triển khai xây dựng, với tổng vốn đăng ký khoảng 750 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chỉ số PCI năm 2017 của Đồng Tháp tiếp tục nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng cả nước. Điều này cho thấy, chất lượng điều hành của tỉnh Đồng Tháp dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng nâng cao. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã kêu gọi, tiếp và làm việc với 41 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp. Qua đó, thu hút thêm 6 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 550 tỷ đồng.

Sau thời gian thi công, dự án Cầu Cao Lãnh đã đưa vào khai thác, nối Đồng Tháp gần hơn với những vùng kinh tế năng động, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Từ đó, hiện thực hóa giấc mơ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Với định hướng hình thành địa phương khởi nghiệp, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp như thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp tỉnh, hỗ trợ vốn và tư vấn chính sách tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh... Nhờ vậy đã có 285 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 3.500 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 21.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho biết: “10 năm liên tục được cồng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tốt môi về trường kinh doanh, đây là thành quả rất đáng tự hào. Kết quả này chính là sự nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh. Dù vậy, địa phương vẫn không thỏa mãn mà cần tiếp tục đánh giá, chấn chỉnh hoàn thiện để tạo môi trường đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại Đồng Tháp”.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế ngày càng phát triển. Hạ tầng thương mại được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như trái cây, rau, củ, nem tiếp tục được đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Riêng sản phẩm xuất khẩu chủ lực (gạo, cá tra) đều tăng trưởng. Nguyên nhân do thị trường nhập khẩu gạo truyền thống tăng lượng dự trữ trong nước. Ngoài ra, việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu cá tra tương đối thuận lợi do nhu cầu thị trường tăng. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 428 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn