Ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 19/10/2015 05:25:18

Từng bước giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, những năm qua Sở Công Thương tiến hành tổ chức các lớp đào tạo tập huấn khởi sự doanh nghiệp (DN), nâng cao tay nghề cho công nhân cơ khí và nâng cao năng lực quản lý cho các DN, cơ sở sản xuất.

Sở Công Thương đã thực hiện hỗ trợ cho các DN tiếp cận với máy móc thiết bị mới như: máy cắt plasma, máy hàn Mag. Đồng thời hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất như: sản xuất cửa sắt kéo, sản xuất máy hút thổi nguyên liệu rời. Ngoài ra, đơn vị còn hướng DN đổi mới các loại máy công cụ theo hướng tiên tiến, nhằm nâng cao năng lực công nghệ cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không dừng lại đó, doanh nghiệp được hỗ trợ hướng dẫn áp dụng xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gồm: nhóm chất lượng (QCC), cải tiến (Kaizen), đánh giá hiệu quả (Work Sampling), nghiên cứu thao tác và thời gian (Time Study) và áp dụng việc kiểm soát chi phí dòng nguyên liệu (MFCA).

Theo Sở Công Thương, việc hỗ trợ cho DN tiếp cận máy móc thiết bị mới đã giúp các đơn vị giảm được một số công đoạn lao động thủ công nặng nhọc. Đồng thời, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường được tăng lên. Bên cạnh đó, DN có thể kiểm soát các yếu tố đầu vào và hạn chế được việc lãng phí về thời gian sản xuất, năng lượng, nguyên vật liệu, phế phẩm...

Dù đạt được những kết quả trên, tuy nhiên với mặt bằng chung thì ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Nhị Văn Khải - Giám đốc Sở Công Thương nhận định: “ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đến nay vẫn chưa có nhiều sức bật so với tiềm năng của địa phương. Chất lượng sản phẩm được nâng lên, nhưng chưa tiến đến thực hiện các chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Một số bộ phận chi tiết và phụ tùng phải đặt gia công tại TP.HCM hoặc phải nhập khẩu. Theo đó, tư duy và năng lực quản lý của các DN chưa đáp ứng so với nhu cầu cần phát triển. Việc hỗ trợ cho DN còn khiêm tốn...”.

Bên cạnh những khó khăn và thuận lợi, Sở Công Thương định hướng phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020 sẽ phát triển trên 20%/năm về chủng loại sản phẩm, đáp ứng về năng suất – chất lượng và đảm bảo tính cạnh tranh cao. Phát triển trên 30%/năm về các sản phẩm chủ lực được thiết kế và mô phỏng động học trên các phần mềm hiện đại. Đặc biệt ưu tiên các sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp.

Riêng phát triển về công nghệ đến năm 2020, sẽ có 25%/năm về các công đoạn sản xuất được đầu tư và đổi mới theo hướng cơ khí hóa và tự động hóa; công nhân vận hành được trang bị các kiến thức sử dụng thành thạo các thiết bị theo hướng công nghệ tiên tiến hơn; DN được tập huấn và đầu tư trang thiết bị sử dụng các phần mềm thiết kế, mô phỏng động học và các phần mềm điều khiển tự động trong sản xuất.

Các chỉ tiêu 30%/năm sẽ thực hiện cho đầu tư máy móc thiết bị mới phù hợp với nhu cầu phát triển; DN được trang bị kiến thức quản lý và điều hành sản xuất - kinh doanh theo hướng chuyên sâu hơn; DN được trang các hệ thống thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng. Định hướng cũng đặt ra trong giai đoạn này có 2 DN đầu tư công nghệ thiết bị tạo phôi và nhiệt luyện theo hướng tiên tiến...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn