Nghề đan lục bình giúp nhiều chị em có thu nhập khá

Cập nhật ngày: 08/01/2016 13:34:08

Những năm gần đây, nghề đan lục bình và đan dây cói ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười phát triển mạnh, giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống.


Nhiều lao động nữ xã Mỹ Quý trồng cây lục bình để bán góp thêm thu nhập cho gia đình

Chị Tô Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Quý cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, xã Mỹ Quý đã mở được 7 lớp dạy nghề đan lục bình với hơn 200 phụ nữ được học nghề và cải thiện cuộc sống từ nghề đã học”. Hiện toàn xã Mỹ Quý đã thành lập được 3 cơ sở thủ công mỹ nghệ, có khoảng 500 lao động làm nghề đan lục bình. Mỗi ngày, một người có thu nhập từ 50.000 - 70.000 đồng.

Chị Trần Thị Mến ở ấp Mỹ Tây 2, xã Mỹ Quý cho biết, những năm trước gia đình rất khó khăn, nghề nghiệp không ổn định. Năm 2010, chị tham gia học nghề đan lục bình do Hội LHPN xã Mỹ Quý phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Tháp Mười mở. Sau thời gian học nghề, chị được Hội LHPN xã giới thiệu nhận hàng gia công tại nhà, thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Chị Mến bộc bạch: “Lúc đầu chỉ có vài chị em tham gia học nghề, sau đó thấy làm việc có thu nhập nên nhiều chị tự nguyện xin học. Đến nay, ấp Mỹ Tây 2 đã có hàng chục hộ gia đình, với hàng 100 chị em tham gia”. Ban đầu chị Mến chỉ nhận làm gia công, nhưng hiện nay chị đã mở hẳn cơ sở thủ công mỹ nghệ, thu mua và phân phối nguyên liệu cho nhiều chị em khác cùng làm. Hiện tại mỗi tháng chị Mến có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng. Theo chị Mến, nghề này không làm giàu, nhưng giúp chị em có nguồn thu nhập thêm ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi, vừa tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình, nên ai cũng phấn khởi.


Cơ sở thu mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ của chị Trần Thị Mến

Về nguyên liệu lục bình có thể do người dân chủ động kiếm từ các sông, rạch hoặc do chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ tại địa phương phân phối. “Tùy theo từng sản phẩm lớn nhỏ, trung bình giá mỗi sản phẩm có thể từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng. Người đan giỏi có thể thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Thấy bà con đến lấy khuôn, dây về đan ngày một nhiều, các sản phẩm đan ngày càng khéo nên chúng tôi cũng phấn khởi, vì có thể giúp bà con có thêm công việc phù hợp để cải thiện cuộc sống” - chị Mến chia sẻ.

Theo chị Tô Thị Kim Phượng, hiện nghề đan lục bình phát triển rất nhanh và hiệu quả. Theo nghề chủ yếu là phụ nữ vì ngoài công việc nội trợ có thể làm khi thời gian rảnh; buổi tối cũng có thể tranh thủ làm được. Cuộc sống của chị em ngày càng ổn định. Một số thành viên khi tham gia nghề đan lục bình nếu gặp khó khăn sẽ được giới thiệu vay vốn từ các tổ tiết kiệm của phụ nữ xã.

 “Đối với các cơ sở thủ công mỹ nghệ trên địa xã nếu có nhu cầu vay vốn thì Hội LHPN xã bảo lãnh tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chị em vay vốn, mức vay khoảng 30 triệu đồng. Mô hình này giúp cải thiện đời sống của gia đình nhiều chị em phụ nữ theo nghề, giúp xã dần xóa nghèo...”, chị Phượng cho biết.

KIM NGÂN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn