Người dân Làng hoa Sa Đéc đặt nhiều kỳ vọng vào vụ hoa Tết

Cập nhật ngày: 10/01/2021 06:47:12

ĐTO - Thời điểm này, do ảnh hưởng từ dịch Covid – 19 nên không khí mua bán hoa kiểng mùa Tết tại Làng hoa Sa Đéc chưa nhộn nhịp như mọi năm. Tại các điểm tham quan du lịch, lượng du khách đến tham quan cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ những năm trước. Song, nông dân ở làng hoa vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào những khởi sắc mới trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.


Những linh vật được tạo hình từ cây bông trang tại Làng hoa Sa Đéc

Giảm giá, giảm số lượng để ứng phó với tình hình khó khăn

Gắn bó với nghề trồng cúc mâm xôi gần 10 năm, vợ chồng chị Trần Thị Thanh Thủy ngụ xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc có tình cảm đặc biệt với loài hoa này. Những năm qua, dù cho vụ hoa Tết năm trước có trúng mùa hay không thì năm sau, anh, chị vẫn quyết tâm gắn bó với loại hoa truyền thống này của Làng hoa Sa Đéc. Nhưng trước những diễn biến khó lường của dịch Covid – 19 từ đầu năm đến nay, thay vì cứ đầu tư cho hoa cúc mâm xôi, vợ chồng chị Trần Thị Thanh Thủy trồng thêm nhiều loại hoa khác như: cát tường, mào gà, cúc tiger, cúc Đài Loan để giảm bớt rủi ro. Chị Thanh Thủy tâm sự: “Năm nay dịch bệnh khó khăn quá nên vợ chồng tôi trồng thêm một số loại hoa khác để giảm bớt tỉ lệ rủi ro. Tôi nghĩ nếu hoa này có ế thì trong vườn cũng còn hoa khác cứu lại, chứ chỉ trông chờ vào cúc mâm xôi thì cũng lo lắm. Năm nay, tình hình sản xuất rất khó khăn, chi phí nhân công, vật tư đều tăng so với mọi năm nhưng tôi buộc phải giảm giá để rút vốn sớm chứ để cận Tết quá thì sẽ rất khó khăn. Tôi chỉ mong vụ hoa Tết năm nay có thể huề vốn để còn có cái đầu tư cho năm sau, chứ không dám kỳ vọng trúng mùa, trúng giá”.


Cây hoa hỏa châu - loại hoa mới trong dịp Tết tại Hội quán Tôi yêu màu tím

Để ứng phó với những diễn biến bất thường của dịch Covid-19, mỗi nông dân ở Làng hoa Sa Đéc đều có những phương án linh động khác nhau, giải pháp được nhiều nhà vườn chọn lựa nhất là không tập trung toàn lực để sản xuất hoa Tết mà thay vào đó bố trí nhiều chủng loại hoa kiểng khác nhau. Trong đó, những nhóm hoa, kiểng vừa có thể chưng Tết được lại vừa có thể để bán dần quanh năm được nhiều nhà vườn lựa chọn. Ông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (xã Tân Khánh Đông) cho biết: “Sau những lần tác động của dịch Covid-19, nông dân chúng tôi đã bắt đầu lên kế hoạch để ứng phó. Chúng tôi cũng ước lượng được tình hình vụ hoa Tết Nguyên đán 2021 sẽ có nhiều khả năng là thị trường khó khăn hơn. Vì vậy thay vì tập trung sản xuất hoa Tết trên 100% diện tích thì năm nay chúng tôi chỉ trồng một phần diện tích là hoa Tết, diện tích còn lại thì chuyển sang trồng các loại hoa công trình. Trong đó, Hội quán chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển các giống hoa kiểng vừa có thể chưng Tết vừa có thể bán quanh năm để giảm bớt áp lực. Ngoài ra, năm nay, chúng tôi cũng sản xuất đa dạng chủng loại hơn và xây dựng nhiều mức giá khác nhau cho từng phân khúc khách hàng khác nhau để người tiêu dùng có thể lựa chọn tiện lợi hơn”.


Nông dân làng hoa đặt nhiều kỳ vọng vào vụ hoa Tết

Chờ đợi sự khôi phục của thị trường

Những năm gần đây, để tạo thêm sự hấp dẫn cho người chơi hoa, ngoài việc không ngừng tìm tòi các giống hoa kiểng mới lạ, nông dân Sa Đéc còn sáng tạo thêm nhiều cách tạo tác mới lạ cho sản phẩm hoa kiểng để thu hút người tiêu dùng. Những giải pháp này không những góp phần giúp tạo thêm nhiều nét chấm phá mới cho làng hoa mà còn là hướng đi để thích ứng trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn. Đi dọc tuyến đường tránh nội ô TP.Sa Đéc, nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên và thu hút bởi “đàn trâu xanh um” được tạo tác từ những cây bông trang. Chủ nhân của đàn trâu thú vị này là chị Nguyễn Thị Kim Hường - chủ Cơ sở sản xuất hoa kiểng Bạn Tôi, phường Tân Qui Đông.

Chị Nguyễn Thị Kim Hường tâm sự: “Những năm gần đây, xu hướng chơi kiểng độc – lạ phát triển mạnh. Do đó, cơ sở chúng tôi bắt đầu thử sức với việc tạo hình các linh vật cho cây bông trang từ năm 2019. Một trong những ưu điểm của các sản phẩm tạo hình linh vật được làm từ bông trang là không tốn nhiều công chăm sóc, có thể trồng lâu dài và đặc biệt cây bông trang rất dễ ra hoa tự nhiên nên người chơi không cần tốn nhiều công sức để kích thích ra hoa như những cây hoa kiểng khác. Tôi hi vọng với sản phẩm mới này sẽ nhận được sự yêu thích từ thị trường vào dịp cuối năm”. Hiện trung bình 1 tạo tác hình con trâu được cơ sở của chị Hường bán với giá dao động từ 15 – 20 triệu đồng. Bên cạnh tạo tác thành hình con trâu là linh vật của Tết âm lịch năm nay, cơ sở của chị Hường còn tạo tác nhiều con vật dễ thương khác như: con ngựa, con lạc đà...


Nông dân phát triển đa dạng sản phẩm để thích ứng với thị trường cuối năm

Bên cạnh những chủ động trong việc điều tiết sản xuất hoa kiểng của nông dân, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Làng hoa Sa Đéc cũng đầu tư thêm nhiều dịch vụ mới để phục vụ cho thị trường cuối năm. Mới chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1/1/2021, Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc phát triển trên nền tảng là một vườn bonsai có quy mô lớn nhất TP.Sa Đéc đã tạo ấn tượng với nhiều du khách. Ngoài các công trình hoa kiểng và tiểu cảnh thì điểm nhấn của khu du lịch này chính là vườn bonsai và kiểng cổ trị giá hàng chục tỉ đồng của anh Nguyễn Phước Lộc. Anh Lộc chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng thông qua việc làm du lịch sẽ giúp cho nghề trồng và kinh doanh hoa kiểng của tôi được tốt hơn. Tôi hi vọng thông qua kênh du lịch, bạn bè khắp nơi sẽ có nhiều cơ hội để hiểu hơn về nghề trồng hoa kiểng tại quê hương mình. Tôi muốn bạn bè biết Làng hoa Sa Đéc không những nổi tiếng với nghề trồng hoa mà nghề trồng kiểng bonsai cũng phát triển rất mạnh. Trong mô hình du lịch của mình, tôi có dành ra một khoảng không gian để du khách có cơ hội thăm thú, trải nghiệm cách tạo tác những cây bonsai để từ đó sẽ có nhiều tình cảm hơn với vùng đất này. Dù hiện nay vì nhiều lí do khách quan nên tình hình kinh doanh có đôi chút không thuận lợi, nhưng tôi nghĩ rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tốt và mọi thứ sẽ trở nên ổn định hơn vào dịp Tết Nguyên đán”.

Về định hướng phát triển dịch vụ du lịch từ đây đến cuối năm của TP.Sa Đéc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp - ông Ngô Quang Tuyên thông tin: “Hiện ngành đang tập trung cho công tác kiểm tra về phòng, chống dịch tại các điểm tham quan du lịch theo đúng phương châm “5K” của ngành chuyên môn khuyến cáo. Chúng tôi cũng yêu cầu các điểm tham quan tuân thủ và thực hiện nghiêm các yêu cầu, hướng dẫn về phòng, chống dịch của ngành y tế. Song song đó, công tác phòng, chống dịch cũng cần được thực hiện theo phương châm bình tĩnh, chủ động, đúng chuyên môn, đủ năng lực, đạt hiệu quả cao nhất”.


Khách du lịch đến quan quan tại điểm du lịch mới - Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng từ ngày 1/1/2021 đến nay trên địa bàn tỉnh đã khai trương thêm 4 điểm du lịch mới để phục vụ du khách và sắp tới tiếp tục mở cửa thêm nhiều điểm tham quan mới, đặc biệt là ở khu vực Làng hoa Sa Đéc. Để có thể khai thác du lịch an toàn – bền vững, ngành du lịch cũng đề ra phương châm: “Nhà nước mở lối – nhà vườn mở cửa – du khách mở lòng”, từ đó mọi người đều góp phần vào công cuộc vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, từ ngày 22-27/1/2021 (nhằm ngày 10-15/12/2020 âm lịch), TP.Sa Đéc tổ chức Tuần lễ Văn hóa du lịch 2021, đây là một sự kiện văn hóa – du lịch quan trọng góp phần quảng bá về văn hóa và con người Sa Đéc nói riêng và tỉnh ĐồngTháp nói chung. Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách và người dân tham gia sự kiện này, trong thời gian lễ hội, ngành chủ động đề xuất UBND tỉnh giao Sở Y tế tiếp tục triển khai an toàn phòng, chống dịch, đồng thời sẽ xin Trung ương tạm thời chưa tiếp nhận các đoàn “cách ly nóng” để cho công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh tại chỗ đạt hiệu quả tốt nhất.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn