Nhà vườn tập trung bảo vệ vườn cây có múi khi thời tiết chuyển mùa

Cập nhật ngày: 06/06/2020 05:24:39

ĐTO - Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa làm nhiệt độ, ẩm độ thay đổi thất thường khiến các loại cây có múi rất dễ mắc bệnh. Chính vì thế, các nhà vườn canh tác cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung đang tập trung phòng trừ dịch bệnh gây hại cho cây.


Nông dân tập trung chăm sóc bảo vệ vườn cây có múi trong mùa mưa

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lai Vung, toàn huyện hiện chỉ còn hơn 4.000ha diện tích cây có múi, trong đó có khoảng 400ha quýt hồng. Vào mùa mưa, vườn cây ăn trái dễ bị các bệnh do loại nhện vàng, nhện đỏ và vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, vào mùa mưa, cây có múi dễ bị ảnh hưởng do đất bị bão hòa nước, hệ sinh vật yếm khí hoạt động mạnh làm cho cây bị thiếu oxy trầm trọng và hứng chịu nhiều chất độc hại.

Là nhà vườn canh tác cây có múi lâu năm, ông Nguyễn Văn Đầy ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Hiện tại, vườn nhà tôi đang trong giai đoạn hồi phục trước ảnh hưởng của hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi. Vì vậy, trong thời gian này, gia đình tiếp tục thực hiện theo quy trình chăm sóc cây của chuyên gia khuyến cáo. Đối với việc phòng bệnh cho vườn, tôi chủ động các biện pháp xử lý giữ độ ẩm vừa phải cho cây, kết hợp sử dụng nhiều các loại phân hữu cơ vi sinh”.

Theo ông Hà Văn Giữ ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, thông thường vào mùa mưa cây cam xoàn sẽ gặp rất nhiều loại bệnh gây hại, nhất là bệnh xì mủ, khô cành... Nếu nhà vườn không theo dõi sát sao sẽ ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Ông Giữ cho biết: “Trong thời tiết mưa nhiều, gia đình tôi thăm vườn thường xuyên nhằm phát hiện dịch bệnh để có hướng xử lý nhanh, hiệu quả không để bệnh lây lan ra cả vườn”.

Tương tự, ông Trần Bá Chuốt - thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch Vĩnh Thới cho biết: “Khi thời tiết vào mùa mưa, tôi chú trọng các biện pháp xử lý trên cây có múi và quan trọng nhất là bộ rễ. Theo đó, trước khi xử lý ra hoa và giai đoạn cây ra trái non, tôi tiến hành tiến hành phun xịt thuốc để ngừa nhện làm trái bị xám da. Đồng thời duy trì việc bón phân cân đối để hạn chế việc thừa đạm, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lai Vung, để bảo vệ vườn cây có múi trong thời tiết mưa bão, nông dân phải chủ động thăm vườn thường xuyên để nắm rõ diễn biến sinh trưởng của cây và các loại dịch hại nhằm chủ động xử lý. Với những ngày mưa dầm, nông dân phải thực hiện các biện pháp thoát nước chống úng, tận dụng cỏ mặt liếp để giúp đất mau khô ráo. Bên cạnh đó, nông dân cần chú trọng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng phân bón, chú trọng sử dụng nhiều phân hữu cơ cho cây...

TRANG HUỲNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn