Những giám đốc hợp tác xã kiểu mới

Cập nhật ngày: 10/02/2016 07:17:43

Cùng với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, Đồng Tháp đã hình thành đội ngũ giám đốc hợp tác xã (HTX) nhiệt huyết, sáng tạo. Họ là những giám đốc HTX kiểu mới, đóng vai trò quan trọng trong tập hợp xã viên, phát triển chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình.


Ông Nguyễn Văn Trãi (người thứ 2 từ bên trái) dẫn đoàn công tác Bộ Nông nghiệp tham quan nhà máy chế biến gạo của hợp tác xã

Nâng cao hơn nữa lợi nhuận cho người trồng lúa

Hình ảnh Giám đốc HTX Tân Cường Nguyễn Văn Trãi (xã Phú Cường, Tam Nông) chạy đôn chạy đáo đến từng hộ dân trong xã vận động tham gia mô hình kinh tế hợp tác hay gõ cửa từng cơ quan, công ty, xí nghiệp để kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho HTX đã trở nên quen thuộc với người dân xã Phú Cường. Anh Phạm Tuấn Hải - xã viên HTX Tân Cường cho biết: “Để tìm một người có tâm có tầm, như chú Hai (ông Trãi) thật sự rất khó. Chú không chỉ là người tâm huyết xây dựng HTX mà còn rất nhạy bén, năng động trong việc tìm kiếm nguồn lực, vận động doanh nghiệp liên kết đưa HTX ngày càng đi lên”.

Nhớ về những ngày đầu thành lập HTX, ông Trãi không giấu được vẻ đăm chiêu, hồi đó HTX chỉ có 31 triệu đồng vốn điều lệ, so với yêu cầu thực tế cần 325 triệu đồng, HTX phải tính toán những cách thức làm ăn nào hiệu quả nhất để giúp nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Từ năm 2009, ông Trãi cùng Ban quản trị HTX bàn bạc, vận động xã viên cùng thực hiện mô hình cánh đồng lớn gắn với hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Một trong những đột phá của HTX giai đoạn 2013-2016 là đầu tư kho, lò sấy, nhà máy chế biến gạo diện tích 11.500m2. Ngoài dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do ngân hàng thế giới tài trợ (xây dựng lò tháp 40 tấn/mẻ, hai kho chứa 2.000 tấn), HTX còn đầu tư xây dựng 6 lò sấy vỉ ngang, công suất 240 tấn và nhà máy xay xát, chế biến 40.000 tấn/năm. Trong vụ đông xuân năm 2015, HTX là 1 trong 2 đơn vị HTX của cả nước được Chính phủ giao chỉ tiêu tạm trữ 2.000 tấn quy gạo, giúp ổn định giá lúa cho xã viên. Giám đốc Nguyễn Văn Trãi chia sẻ tâm huyết: “Nâng cao hơn nữa lợi nhuận cho người trồng lúa, không gì khác hơn là rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giảm thất thoát sau thu hoạch... HTX đang xây dựng mô hình này”.


Giám đốc Hợp tác xã Tân Tiến Võ Văn Đào (phải) cùng xã viên thăm đồng

Chìa khóa vàng giúp HTX đứng vững

Mô hình liên kết, tiêu thụ lúa giữa Công ty Võ Thị Thu Hà (sau là Công ty Lộc Anh) và HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Phú Đức, Tam Nông) ngày càng được nhiều người biết đến, nhưng ít ai biết công đầu của thành quả này là nhờ Giám đốc HTX Võ Văn Đào. Để phát triển HTX bền vững, ngay từ những ngày đầu thành lập, ông Đào cùng Ban quản trị HTX bàn bạc tìm ra giải pháp làm ăn hiệu quả nhất để giúp nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Theo đó, từ năm 2012, Ban quản trị HTX vận động xã viên cùng thực hiện mô hình cánh đồng VietGAP với diện tích 200ha, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó giảm khoảng 30% chi phí sản xuất, lợi nhuận từ việc trồng lúa của xã viên được nâng lên.

Đặc biệt, để chủ động đầu ra cho cây lúa, từ vụ hè thu năm 2012, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, ông Đào chủ động liên hệ với Công ty Võ Thị Thu Hà ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ diện tích lúa tại HTX. Hai bên ký kết hợp đồng theo từng vụ, giá bán theo thị trường từng thời điểm. Tại thời điểm thu mua lúa, Công ty thu mua cao hơn giá lúa thị trường từ 100 - 150 đồng/kg, đồng thời hỗ trợ 30 đồng/kg lúa cho HTX. Từ đó, doanh thu của HTX cũng như lợi nhuận của xã viên đều tăng lên hàng năm, tạo được lòng tin trong xã viên. Ông Lê Thanh Hồng - xã viên HTX Tân Tiến phấn khởi nói: “Cách làm của chú Đào cũng như HTX đã được kiểm chứng bằng thực tiễn nhiều năm nay. Trong khi nông dân bên ngoài phải lao đao vì chuyện “được mùa mất giá” thì chuyện làm ăn ở HTX vẫn “bình chân như vại” và còn có hướng đi lên...”.

Từng bước vững chắc, HTX Tân Tiến tạo lập vị thế trong ngành trồng lúa. Đến nay, toàn bộ diện tích 887ha của HTX đều được Công ty Lộc Anh bao tiêu, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Giám đốc HTX Tân Tiến Võ Văn Đào chia sẻ, để đạt được kết quả này, trước tiên mình phải thuyết phục xã viên tin tưởng, thống nhất và cam kết với HTX không được “bẻ kèo” khi giá thị trường cao hơn hợp đồng. Tình trạng này nhiều năm nay đã không xảy ra, HTX xác định thành công trên là yếu tố quyết định là niềm tin của xã viên vào Ban quản trị và tương lai của HTX....


Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Bình Thành (huyện Lấp Vò)

Lắng nghe để thấu hiểu

“Làm kinh tế tập thể quan trọng nhất là phải thật sự có tâm huyết với công việc. Nhất là trong môi trường tập thể rộng lớn, để giữ đoàn kết, đồng thuận thì mỗi thành viên Ban quản trị phải giữ được sự trầm tĩnh để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của xã viên. Đặc biệt, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của bà con xã viên để có hướng điều chỉnh, nghiên cứu phát triển hợp lý...” - đó là kinh nghiệm quản lý của ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Bình Thành (huyện Lấp Vò). Là người trực tiếp điều hành hoạt động của HTX, ông luôn trăn trở phải làm gì để cùng Ban quản trị thúc đẩy hiệu quả cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tập thể. Từ đó, ông đã mạnh dạn đưa ra sáng kiến để HTX ngày càng phát triển.

Điển hình là từ vụ thu đông năm 2012, ông mạnh dạn đưa ra sáng kiến thực hiện mô hình bơm cạn đồng vụ thu đông trong toàn diện tích HTX quản lý nhằm giảm giá thành sản xuất cho HTX cũng như xã viên. Mô hình này đem lại lợi nhuận đáng kể trong việc giảm giá thành thu hoạch so với cách làm thủ công truyền thống khoảng 3,5 triệu đồng/ha; năng suất cao hơn từ 200-400kg/ha do tiết giảm trong quá trình cắt, gặt, thu gom và vận chuyển; giá lúa tăng bình quân khoảng 150-200 đồng/kg do chất lượng lúa sạch, đẹp. Nhờ chất lượng lúa đảm bảo nên việc liên kết, tiêu thụ tại HTX với doanh nghiệp cũng được thuận lợi hơn. Trong năm 2015, HTX liên kết tiêu thụ được 3.500 tấn lúa, tạo đầu ra ổn định cho một số diện tích của xã viên HTX.

Đến nay, HTX Bình Thành có 8 dịch vụ sản xuất, kinh doanh, các dịch vụ vừa có lãi và có lợi cho xã viên. Doanh thu của HTX hàng năm khoảng 17 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1,8 tỷ đồng. Đặc biệt, trong công tác vận động xã viên đóng góp xây dựng nông thôn mới cho địa phương, ông Đời đã tác động và phân công cán bộ thực hiện vận động xã viên đóng góp gần 800 triệu đồng. Ông Bùi Hưng Việt - đội sản xuất số 5, ấp Bình Hòa, xã Bình Thành nhận xét: “Chú Đời rất sâu sát với đồng ruộng và xã viên, từ việc xuống giống, bơm tưới nước chú đều dặn dò rất chu đáo. Không chỉ chăm lo cho HTX mà chú còn rất tích cực vận động xã viên tham gia đóng góp giúp đỡ cộng đồng, xã viên HTX cũng như bà con nông dân rất tin tưởng và kính nể chú...”.

Có thể nói, trong bối cảnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX còn không ít khó khăn thì thành công của các HTX Tân Cường, Tân Tiến, Bình Thành với sự dìu dắt của những Giám đốc HTX kiểu mới này được xem là những điểm sáng của mô hình kinh tế tập thể. Những hình mẫu có tính thực tiễn này đã rũ bỏ “cái bóng” của HTX kiểu cũ, nâng cao nhận thức, vị trí và xu thế của kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hội nhập với kinh tế thế giới.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn