Nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh tăng tốc phát triển kinh tế hậu Covid - 19

Cập nhật ngày: 09/05/2020 15:15:11

ĐTO - Là thông điệp của Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước tại hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” tổ chức ngày 9/5.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Hội nghị do Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên cả nước. Tại điểm cầu Đồng Tháp, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đồng chủ trì hội nghị.

Đây là hội nghị được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay. Có khoảng 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Lực lượng DN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế hiện đang phải chịu rất nhiều tổn thất. Trong đó nhóm DN bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, giáo dục… Với những khó khăn trên, doanh thu của các DN trong quý I và dự báo cả năm 2020 sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ ảnh hưởng tới kinh doanh các năm tiếp theo.

Là một trong những ngành nghề chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid – 19, ngành du lịch và ngành dệt may đã có những chia sẻ về khó khăn cũng như giải pháp phát triển của ngành trong tình hình mới. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để các DN trong ngành nhìn nhận, đánh giá về một số vấn đề. Trước hết, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động.

Do đó, sau dịch bệnh,  các DN sẽ tập trung khai thác những thị trường tiềm năng mới mở như CPTPP, EVFTA và tương lai gần là RCEP để phấn đầu tăng bình quân 6%/năm giai đoạn 2020 - 2025. 

Thông tin về những giải pháp của ngành du lịch về phục hồi hậu dịch Covid – 19, đại diện DN du lịch kiến nghị, Chính Phủ cần triển khai ngay chiến dịch truyền thông về Việt Nam là điểm đến an toàn, để từng bước thu hút du khách ở các quốc gia đã kiểm soát được dịch Covid – 19 đến Việt Nam. Đồng thời, các DN du lịch cũng đề nghị cần tập trung khôi phục thị trường du lịch nội địa, sớm nối lại các đường bay trong nước, đề xuất Chính phủ tạo điều kiện để các DN du lịch sớm kiến cận với các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ.


Lãnh đạo tỉnh đến thăm và làm việc với các DN để kịp thời nắm bắt khó khăn và có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các DN

Phát biểu chị đạo tại hội nghị, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lệnh giãn cách đã được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời, phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Đối với bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho DN với tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển; cần ưu tiên phát triển hạ tầng, logistic giúp DN giảm chi phí và phát triển tốt nhất; cần quan tâm đến các DN vừa và nhỏ, những DN, người lao động yếu thế…

Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm thông điệp, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bình thường mới, vì vậy cộng đồng DN phải cùng nhau đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn. Doanh nhân không nên nản chí, hoàn cảnh càng khó khăn thì càng khẳng định bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh và tình hình mới.

Đánh giá về những tác động của dịch Covid – 19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN tại tỉnh nhà, UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 4.000 DN đang hoạt động, phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ, với hơn 65.500 lao động đang làm việc (78% lao động có tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp).

Dưới tác động của dịch Covid19, các áp lực về tìm kiếm giải pháp tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn cho tái sản xuất, khả năng thanh khoản, thực hiện nghĩa vụ tài chính như nộp thuế, lãi vay ngân hàng, trả lương cho người lao động… để duy trì hoạt động của DN ngày càng gia tăng. Phần lớn các DN đều giảm doanh thu, hoạt động cầm chừng, nguồn cung nguyên vật liệu bị gián đoạn. Một số DN phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, lao động mất việc làm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh đã giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu ngành du lịch giảm hơn 51% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm kịp thời giúp DN giải quyết khó khăn, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ khẩn cấp như: giãn thuế, giãn nợ, giãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất, hỗ trợ an sinh. Các chính sách được cộng đồng DN và người dân đón nhận nhiệt tình…

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn