Nông dân hi vọng ở vụ sản xuất mới
Cập nhật ngày: 24/02/2016 12:58:00
Mặc dù năm 2015 tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, song với những cơ hội mới về thị trường xuất khẩu, nông dân kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu vui và bước đột phá mới trong năm Bính Thân này.

Nông dân thăm đồng chăm sóc lúa. Ảnh: Nhật Nhánh
Thắng đậm trong vụ xoài Tết, nhà vườn thuộc Tổ hợp tác (THT) Sản xuất xoài an toàn (khóm 6, phường 6, TP.Cao Lãnh) đang tất bật chuẩn bị cho vụ xoài mới. Theo phản ánh của nhà vườn, năng suất vụ xoài Tết năm nay không cao như cùng kỳ những năm trước, song nhờ xoài có giá nên nhà vườn ăn Tết khá sung túc.
“Năm nay xoài Tết không đậu nhiều, vườn nhà tôi chỉ thu hoạch được 4 tấn xoài, thấp hơn nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên, với mức giá trung bình từ 30 – 35 ngàn đồng/kg nên lợi nhuận vụ xoài Tết năm nay kha khá” - ông Phạm Tấn Minh, thành viên THT Sản xuất xoài an toàn phường 6 phấn khởi tâm sự.
Do thực hiện cho xoài rải vụ quanh năm nên ngoài sản lượng xoài thu hoạch trong Tết, hiện tại vườn của ông Minh còn khá nhiều xoài ở mọi lứa tuổi khác nhau. Hiện tại, ông Minh và một số cộng sự đang gấp rút bao trái cho lứa xoài tiếp theo chuẩn bị phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhà vườn kỳ vọng năm 2016 sẽ là năm xoài Đồng Tháp có những bước tiến nhảy vọt hơn ở những thị trường khó tính, để góp phần nâng cao giá trị cho trái xoài.
Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân lại tất bật ra đồng. Ghé thăm những cánh đồng sau Tết, không khí sản xuất đầu năm nhộn nhịp hẳn lên, bà con ai nấy đều tập trung vào việc xuống giống, chăm sóc, thu hoạch lúa.
Anh Nguyễn Tấn Hải ngụ ấp 2, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh tranh thủ thăm đồng từ mùng 6 Tết. Anh Hải chia sẻ: “Gia đình tôi bắt tay vào chăm sóc hơn 1ha lúa hè thu vừa mới gieo sạ. Tôi chỉ mong sao trong năm mới thời tiết sẽ thuận lợi hơn, bớt sâu bệnh cho lúa phát triển tốt để người nông dân có vụ mùa bội thu”.
Ông Trần Văn Thuận ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh cho biết: “Qua thực tế, việc sản xuất lúa năm nay dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước do tình hình thời tiết phức tạp. Sâu bệnh có nguy cơ gây hại nhiều trên lúa. Trước tình hình này, tôi cùng mọi người trong gia đình tăng cường thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu bệnh và có cách phòng tránh”.
Bên cạnh lúa và cây ăn trái nhiều nông dân sản xuất màu cũng tất bật với vụ mùa mới. Gia đình ông Nguyễn Văn Thật ngụ ấp Nhơn Quới, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò sản xuất khoảng 5 công màu cho vụ hè thu, tranh thủ ra đồng từ sáng sớm, ông Thật cho biết: “Gia đình tôi tranh thủ ra đồng từ ngày mùng 6 Tết để tập trung làm đất chuẩn bị xuống giống màu cho vụ mới. Gia đình tôi cảm thấy phấn khởi khi thời tiết đang thuận lợi cho việc xuống giống và phát triển màu”.
Vụ hoa kiểng Tết 2016, gia đình anh Trần Thanh Toản ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc cung ứng ra thị trường hơn 13.000 giỏ hoa các loại cho các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Bắc. Sau khi trừ tất cả khoản phí gia đình anh còn lãi 170 triệu đồng. Số lãi này tuy không nhiều như các năm trước nhưng cũng giúp gia đình anh đón Tết đầm ấm.
Chuẩn bị cho vụ hoa kiểng mới, anh Toản chia sẻ: “Sản xuất hoa kiểng năm qua khá vất vả và khó khăn, bởi tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nông dân phải luôn theo dõi tình hình thời tiết. Ngoài ra, tôi rất quan tâm theo dõi, nghiên cứu học hỏi tìm ra những phương pháp mới để chăm lo cho hoa phát triển tốt. Song song với việc chăm sóc, tôi còn lên Đà Lạt tìm kiếm những giống hoa mới về trồng thử nghiệm, dự kiến tôi sẽ cho ra mắt vài giống mới trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Sau những ngày Tết, hoa kiểng phát triển khá tốt, hi vọng năm nay sẽ có vụ mùa thắng lợi”.
Sau Tết, các hộ chăn nuôi cũng tranh thủ vệ sinh chuồng trại và chuẩn bị tăng đàn trở lại. Năm 2015 là một năm không nhiều thuận lợi đối với người chăn nuôi khi giá cả thị trường của các mặt hàng này cứ lên xuống thất thường, đáng nói nhất là thị trường gia cầm.
Đang tất bật với đàn vịt đẻ đưa vào nằm rọ (chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, không cho vịt chạy đồng) ông Nguyễn Ngọc Mới ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết: Mấy chục năm trong nghề nuôi vịt đẻ, chưa bao giờ tôi thấy giá trứng vịt xuống thấp kỷ lục như năm nay. Với mức giá hiện tại xem như người nuôi lỗ nặng, hiện tại người nuôi vịt đẻ đang gặp khó khăn khi không còn đủ khả năng bỏ vốn ra đầu tư tiếp tục”. Mặc dù tình hình thị trường đang gặp nhiều trở ngại, song với niềm đam mê và yêu nghề nên nhiều nông dân vẫn cố bám trụ, hi vọng thị trường trứng vịt trong năm mới sẽ có nhiều khởi sắc mới.

Nhà vườn chuẩn bị cho vụ xoài mới. Ảnh: Mỹ Lý
Sau Tết, chị Lương Thanh Hương chủ trang trại heo Thanh Hương ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cũng tranh thủ tái đàn trở lại. Để có nguồn giống chủ động và chất lượng, hiện tại gia đình chị vừa đầu tư một trại lạnh với quy mô gần 70 con nái, tổng mức đầu tư trên 900 triệu đồng. Chị Hương tâm sự: “Mặc dù là trang trại, song giá cả heo thịt của cơ sở tôi bán ra cũng không khác gì so với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tình trạng bị ép giá vẫn và câu chuyện thường ngày”. Vì vậy trong năm mới, tôi cũng mong muốn được ngành nông nghiệp hướng dẫn thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP và được chứng nhận VietGAP, từ đó có thể kết nối với các doanh nghiệp, đưa sản xuất vào quy trình ổn định hơn.
Chia sẻ với nông dân trong chuyến thăm các hợp tác xã, hộ nông dân dịp đầu năm, ông Đoàn Trí Vững - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân trong sản xuất nông nghiệp là việc tìm đầu ra cho nông sản. Do đó, để góp phần giải quyết vấn đề đầu ra ổn định thì cần đa dạng hơn các sản phẩm nông sản chế biến sau thu hoạch nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ, tránh tình trạng mất giá khi vào vụ mùa như hiện nay. Trong thời gian tới cũng cần đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, GAP, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong giai đoạn hội nhập.
Nhật Khánh - Mỹ Lý