Nông dân phấn khởi khi lúa tăng giá mạnh vào chính vụ

Cập nhật ngày: 22/01/2021 13:39:29

ĐTO - Nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm. Khác với những vụ mùa trước, càng vào chính vụ giá lúa càng tăng cao, riêng giá nếp giảm, điều này trái ngược với tình hình thu mua lúa mọi năm bởi giá nếp thường cao hơn lúa.


Lúa thu hoạch xong được tập kết tại một điểm chờ thương lái đến cân

Theo ghi nhận tại các cánh đồng thu hoạch lúa huyện Tháp Mười, hiện giá lúa tươi hạt dài như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 được thương lái mua tại ruộng giá từ 6.600 - 7.000 đồng/kg; lúa thường IR50404 giá 6.200 - 6.300 đồng/kg. Tuy nhiên, rất ít nông dân bán được giá này bởi đa phần họ đã lấy tiền cọc khoảng một tháng trước thu hoạch.

Là vụ đầu tiên bán lúa giá 6.400 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay nhưng ông Trần Văn Chín ở ấp 4, xã Đốc Binh Kiều vẫn khá tiếc nuối vì cùng loại giống OM18 này nhưng hiện nay lái mua với giá 6.600 đồng/kg, tính ra mỗi ký lúa ông mất 200 đồng. “Vụ đông xuân năm ngoái lúa chưa tới 5.000 đồng/kg, năm nay thấy lên trên 6.000 đồng là mừng rồi, thêm nữa xung quanh ai cũng lấy cọc lái này nên mình bán theo, không ngờ lúa càng ngày càng lên, mình cũng thấy tiếc” - ông Chín chia sẻ.

Khác với ông Chín, ông Bùi Văn Triệu cũng ngụ xã Đốc Binh Kiều vừa bán xong 1ha lúa OM18 với giá 6.600 đồng/kg phấn khởi cho biết, tôi lấy cọc sau các hộ khác khoảng 2 tuần nên bán mỗi giạ lúa cao hơn những hộ lấy cọc trước 400 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay mà nông dân bán được, mặc dù so về năng suất năm nay giảm hơn những vụ trước (khoảng 600 - 650kg/1.000m2 đất), do chuột cắn phá quá nhiều, nhưng bù lại giá lúa cao, nếu duy trì ở mức này chắc chắn nông dân sẽ khá lên từ cây lúa.

Theo các thương lái, hiện nay giá lúa vẫn còn tiếp tục tăng nhưng lượng mua vào không còn do người dân đã lấy cọc hết, không còn lượng bán ra. Ông Trần Văn Mến - thương lái thu mua lúa cho hay, ông đang cần khoảng 100 tấn lúa tươi mua chà bán gạo nhưng thời điểm này đã hết lúa. Mặc dù mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng đa phần các cánh đồng, bà con đã nhận tiền cọc trước nên không còn lúa để mua. Bên cạnh đó, do năm nay khoảng 70% diện tích các cánh đồng đều trồng nếp nên lúa khan hiếm.


Lúa thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó. 
Ảnh: M.N

“Hôm nay lúa OM18 tôi mua lên 7.000 đồng/kg nhưng không còn lúa, nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch Covid nên nhu cầu xuất khẩu tăng khiến lúa khan hiếm, một phần do bà con chuyển sang trồng nếp diện tích lớn nên không còn nhiều lúa như trước” - ông Mến chia sẻ.

Không mấy vui khi năm nay quyết định trồng nếp, anh Nguyễn Văn Lùn ở xã Đốc Binh Kiều nhận tiền cọc bán nếp giá 6.200 đồng/kg cho biết, năm ngoái thấy giá nếp tăng cao nên vụ đông xuân này tôi chuyển sang trồng nếp thử. Tuy nhiên, năm nay giá nếp lại giảm hơn lúa rất nhiều, nếp khó bán khiến nông dân một phen hụt hẫng. “Trồng nếp thì sản lượng bằng hoặc hơn lúa nhưng do thời gian thu hoạch dài hơn, nếu chuyển sang nếp thì vụ sau sạ lúa sẽ bị lúa lộn nhiều, khó bán. Tôi đang suy tính phương kế thích hợp cho vụ hè thu tới...”- anh Lùn trăn trở.

Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, vụ đông xuân năm 2020-2021 toàn tỉnh xuống giống hơn 200.000ha lúa. Thời điểm hiện tại đã có hơn 9.000ha diện tích lúa xuống giống sớm đã bắt đầu thu hoạch, tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh... với năng suất bình quân 67,8 tạ/ha, sản lượng 65,3 tấn. Điểm đáng chú ý là năm nay diện tích trồng nếp tăng khá nhiều khiến giá nếp xuống thấp bằng với lúa thường IR50404 ở mức 6.300 – 6.350 đồng/kg, điều này đặt ra vấn đề về câu chuyện trồng nếp của nông dân.

Có thể nói, lúa năm nay tăng giá do tác động từ thị trường, nhưng câu chuyện nếp giảm có lẽ đã được cảnh báo từ lâu, khi diện tích tăng nhanh, cung vượt cầu thì tất yếu sẽ xảy ra tình trạng giá giảm, ùn ứ. Thực trạng này, đòi hỏi người nông dân cần thận trọng hơn trong việc chuyển đổi sang trồng nếp trong thời gian sắp tới.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn