Nông dân vùng Cù lao Tây tiếp cận kỹ thuật sản xuất màu theo hướng an toàn

Cập nhật ngày: 09/10/2015 12:19:33

Nhằm đưa cây màu phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Thanh Bình đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó việc hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật rải vụ và sản xuất rau màu theo hướng an toàn là một trong những giải pháp then chốt giúp vùng màu Cù lao Tây phát triển.


Ớt giống được ươm tại nhà lưới của Hợp tác xã Tân Bình, huyện Thanh Bình

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, vùng đất cù lao Tây của huyện Thanh Bình (gồm các xã: Tân Long, Tân Hòa, Tân Quới, Tân Huề, Tân Bình) có nhiều điều kiện trong phát triển chuyên canh màu. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường ngày càng cao, việc sản xuất theo kỹ thuật truyền thống của người nông dân đang bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thể thích ứng với tình hình mới.

Trước thực trạng đó, ngoài việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ việc sản xuất của vùng chuyên canh màu, thời gian qua huyện Thanh Bình kết hợp với các Viện, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện một số đề tài nghiên cứu như: xây dựng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP 20ha tại xã Tân Bình; thực hiện một số đề tài nghiên cứu song song về lai tạo giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Kẹm - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Bình thông tin, huyện Thanh Bình là một trong những “cái nôi” phát triển cây ớt, hiện tại đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp về đầu tư chế biến và xuất khẩu ớt tại địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù canh tác của nông dân, sản lượng ớt chỉ được sản xuất tập trung theo mùa chứ không rải đều quanh năm. Đây là một trong những hạn chế khiến cho việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản chủ lực này gặp khó khăn. Do đó, với mong muốn giúp người nông dân từng bước tiếp cận với những kỹ thuật canh tác tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của thị trường, cũng như như thích ứng tốt với tình trạng biến đổi khí hậu, vừa qua, huyện kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng mô hình sản xuất ớt theo quy trình VietGAP, được thí điểm trên diện tích 20ha ở xã Tân Bình. Thông qua mô hình này, ngành nông nghiệp mong muốn người nông dân chấp nhận và có thể từng bước thực hiện mở rộng diện tích cho ớt rải vụ, nhằm giảm áp lực tiêu thụ vào chính vụ cũng như nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề cây giống là một trong những điểm mấu chốt quyết định năng suất và chất lượng của nông sản cũng được ngành nông nghiệp huyện quan tâm đầu tư. Vừa qua, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và địa phương, huyện triển khai lắp đặt mô hình nhà lưới ươm cây giống diện tích 1.000m2, với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ cho hợp tác xã (HTX) Tân Bình. Mô hình nhà lưới hiện đã đưa vào hoạt động, theo ước tính, trung bình mỗi năm nhà lưới sẽ cung cấp khoảng 4,3 triệu cây giống các loại cho nông dân vùng màu.

Chị Huỳnh Thị Tố Chi - Phó Giám đốc HTX Tân Bình cho biết, vừa qua HTX tiến hành chuyển giao cho cho 62 hộ nông dân tham gia mô hình sản xuất ớt theo hướng VietGAP, trên 800 ngàn cây ớt giống được ươm trồng tại nhà lưới. Theo đánh giá bước đầu, phần lớn nông dân đều hài lòng với chất lượng ớt giống được ươm trồng tại nhà lưới của HTX.

Anh Đoàn Văn Bún ngụ xã Tân Bình, huyện Thanh Bình chia sẻ: “Ban đầu khi nhận ớt giống từ HTX về trồng, tôi rất lo lắng bởi không biết chất lượng ớt giống sản xuất trong nhà lưới ra sao. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng trồng, tỷ lệ hao hụt ruộng ớt của tôi chỉ khoảng 1%, thấp hơn nhiều so với ớt giống được gia đình tôi ươm trước đây. Nhờ cây giống được tuyển chọn đồng đều nên khi đưa ớt xuống ruộng, cây bén rễ nhanh và phát triển rất tốt. Tôi rất hài lòng và dự kiến mùa sau sẽ liên kết đặt hàng nhà lưới sản xuất một số cà chua gốc ghép để trồng”.

Cũng theo chị Tố Chi, cây giống được ươm trong nhà lưới sẽ có nhiều ưu thế hơn so với cây được ươm ngoài trời. Do nhiệt độ bên trong nhà lưới cao hơn môi trường bên ngoài từ 4 – 50C, do đó khi cây con được đưa ra ruộng tỷ lệ hao hụt cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh trên cây con được kiểm soát khá kỹ nên cây con được ươm ở nhà lưới sẽ khỏe hơn.

Chia sẻ những định hướng về phát triển vùng màu Cù lao Tây trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Kẹm cho biết: “Khi người nông dân quen dần với việc sử dụng cây giống được ươm trong nhà lưới, hướng lâu dài địa phương phải có khoảng 10 nhà lưới ươm cây giống như ở HTX Tân Bình mới đủ đáp ứng nhu cầu của bà con vùng màu của huyện. Ngoài ra, huyện sẽ tiến hành chuyển giao nhiều giống màu được lai tạo bằng kỹ thuật gốc ghép cho người nông dân. Ưu thế của các loại cây gốc ghép sẽ giúp cây màu chống chọi với điều kiện biến đổi khí hậu tốt, khả năng kháng các bệnh do vi khuẩn cũng tốt hơn... Việc định hướng sản xuất theo hướng an toàn và rải vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện đề ra, đây là hướng đi tối ưu nhằm giúp cho vùng màu phát triển bền vững.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn