Hợp tác xã Tiến Cường

Phát triển chuỗi giá trị liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 11/07/2019 14:29:01

ĐTO - Trong cái nắng của những ngày tháng 6, trên tuyến đường ĐT845 thuộc xã Tân Cường, huyện Tam Nông, chúng tôi về thăm lại Hợp tác xã (HTX) Tiến Cường. Đây là một trong những HTX điển hình về làm ăn liên kết.


Ông Nguyễn Thanh Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Tiến Cường còn nhiều trăn trở cho hướng đi của Hợp tác xã

Ông Âu Văn Hưởng - nông dân HTX Tiến Cường cho biết: “Cũng nhờ làm lúa với mô hình liên kết mà cuộc sống của nông dân xã Tân Cường thay đổi hơn trước rất nhiều”. Tiếp lời ông Hưởng, ông Nguyễn Thanh Hiệp - Giám đốc HTX Tiến Cường nói: “Đời sống khởi sắc, những năm gần đây, bà con không phải đổ xô đi làm ăn xa như trước”. Chỉ tay về phía cánh đồng đang trổ mạ, ông Hiệp cho biết, đó là cánh đồng liên kết theo mô hình “Ruộng nhà mình” có lắp camera quan sát, làm lúa ở đây không chỉ được bao tiêu mà còn được hỗ trợ giá nên họ khá phấn khởi. Hiện đã có 9 hộ, với 70ha làm “Ruộng nhà mình” rồi...

Gắn bó với HTX từ những ngày đầu thành lập (năm 2010), nên ông Hiệp hiểu hết những khó khăn cũng như trân quý những thành quả mà HTX xây dựng được ngày hôm nay. Ông Hiệp vui mừng chia sẻ: “Thành viên HTX bây giờ ai cũng đồng lòng làm ăn liên kết. HTX Tiến Cường cũng được chọn là điểm để thực hiện dự án VnSAT của tỉnh, được đầu tư hạ tầng giao thông cho việc vận chuyển. Tính sơ sơ bây giờ HTX đã có hơn 50% diện tích (tổng diện tích 860ha) đã liên kết với doanh nghiệp, có đầu ra sản phẩm và giá cả ổn định”.

Ông Hiệp nhớ lại, trước năm 2010, nông dân trồng lúa của xã đa phần làm ăn riêng lẻ, mạnh ai nấy làm và thiếu liên kết nên hiệu quả mang lại không cao. Năm 2010, HTX Tiến Cường được thành lập, đồng thời vận động các hộ dân nơi đây liên kết lại với nhau theo mô hình chuỗi giá trị liên kết với Công ty Lương thực Đồng Tháp, trong đó chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới, bón phân cân đối, hạn chế sử dụng giống, thuốc trừ sâu, ghi chép sổ sách... “Nhờ hạ được giá thành, có đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn sản xuất bên ngoài từ 3,2 - 4,7 triệu đồng/ha nên nông dân khá phấn khởi và tham gia liên kết ngày càng nhiều”, ông Hiệp nhớ lại.

Từ thành công của vụ liên kết đầu tiên, các vụ sau, số lượng thành viên của HTX không ngừng tăng. Đến nay, HTX có 57 thành viên, diện tích 860ha. Qua 7 năm thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo với Công ty Lương thực Đồng Tháp, HTX đã liên kết trên 3.500ha, tổng sản lượng tiêu thụ trên 20.000 tấn lúa, đảm bảo lợi nhuận cho xã viên.

Anh Âu Văn Thanh - thành viên HTX Tiến Cường, đồng thời là người tiên phong trong mô hình “Ruộng nhà mình” chia sẻ, gia đình anh thực hiện liên kết với Công ty Lương thực Đồng Tháp từ năm 2013 đến nay, thông qua vai trò trung gian là HTX Tiến Cường. Từ khi tham gia liên kết, anh được công ty bao tiêu với giá ổn định, lợi nhuận từ việc trồng lúa cũng tăng lên đáng kể. “Tham gia mô hình “Ruộng nhà mình”, ngoài được hỗ trợ 150 đồng/kg, được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc thì điều tôi tâm đắc nhất là mình sản xuất được sản phẩm sạch cho chính bản thân, gia đình và người tiêu dùng”.

Từ hiệu quả mô hình chuỗi giá trị liên kết, ông Nguyễn Thanh Hiệp cho biết thêm, trong định hướng sắp tới, bên cạnh việc duy trì, mở rộng diện tích liên kết hiện có, HTX sẽ đẩy mạnh việc sản xuất theo mô hình hữu cơ tạo ra hạt gạo sạch, an toàn không chỉ cho công ty mà còn đáp ứng được cho xuất khẩu. Đây là yêu cầu tất yếu của thị trường buộc chúng ta phải tuân thủ theo. “HTX cũng đang còn nhiều tham vọng dang dở, chẳng hạn như mở thêm nhiều dịch vụ để hỗ trợ thành viên, đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm giá thành sản xuất, thu mua lúa chờ giá cho thành viên lúc thị trường khó khăn... Tuy nhiên, HTX chưa đủ nguồn lực để thực hiện. Đây là tình trạng không riêng Tiến Cường mà tất cả HTX đều khó khăn chung nên chúng tôi quan niệm sẽ làm từ từ và kiên trì sẽ có ngày đến đích”, ông Hiệp chia sẻ.

Có thể nói, trong thời buổi xuất khẩu nông sản cạnh tranh và thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm... thì việc sản xuất phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới là hướng đi hiệu quả. Riêng đối với Công ty Lương thực Đồng Tháp, thực hiện mô hình liên kết “Ruộng nhà mình”, đến tháng 5/2019, đơn vị đã thu mua trên 700 tấn lúa của HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến và HTX Tiến Cường (2 HTX thực hiện mô hình “Ruộng nhà mình”). “Qua mô hình liên kết này đã giúp công ty có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, chủ động việc xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu “ruộng nhà mình” được tiêu thụ rộng rãi với giá tốt, giúp nông dân có lãi cao”, ông Đặng Văn Khương - Phó Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp khẳng định.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn