Quy hoạch tích hợp và phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 14/02/2018 09:04:44
Sinh kế của một cộng đồng dân cư tại một địa bàn tùy thuộc vào những yếu tố nào để được vững chắc? Để một vùng lãnh thổ phát triển một cách bền vững cần hội đủ các điều kiện nào? Bài toán không đơn giản vì con người vừa là thành tố của môi trường, vừa tác động lên môi trường, vừa là chủ thể vừa là đối tượng của phát triển. Quy hoạch như thế nào để phát triển được bền vững? Ngày Xuân, hãy dành một ít thời gian để cùng suy nghĩ về vấn đề này.

GS. Nguyễn Ngọc Trân (Việt Nam, trái) và ông Hugo Chavez (Venezuela, phải) tại Hội nghị WSSD, Johannesburg, tháng 8/2002
1. Những yếu tố cần cho sự vững chắc của sinh kế của cộng đồng
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững (World Summit for Sustainable Development, WSSD Johannesburg, 2002) một nhóm nghiên cứu đã đệ trình một báo cáo về những yếu tố cần thiết cho sự vững chắc của sinh kế của mọi cộng đồng dân cư (Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững (WSSD), Report No 263694, Johannesburg 2002). Đó là Nước, Năng lượng, Sức khỏe, Nông nghiệp và Đa dạng sinh học (chính vì vậy mà Nhóm nghiên cứu được gọi là WEHAB (Water, Energy, Health, Agriculture, Biodiversity).


Rất dễ nhận thấy là mỗi yếu tố trên đây đều tác động trực tiếp lên sinh kế của cộng đồng. Hơn thế nữa, 5 yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, và do đó chúng còn tác động dây chuyền lên sinh kế. Cặp sơ đồ sau đây chỉ ra những tương tác chính, hai chiều, giữa yếu tố Sức khỏe với 4 yếu tố còn lại. Xây dựng nốt 4 cặp sơ đồ tương tự cho Nước, Năng lượng, Nông nghiệp và Đa dạng sinh học, ta sẽ nhận thức cụ thể các mối tương tác giữa 5 yếu tố.
Dĩ nhiên cả 5 yếu tố cùng chịu tác động của biến đổi khí hậu.
2. Ba trụ cột của sự phát triển bền vững
Hội nghị thượng đỉnh WSSD 2002 cũng đã thông qua một kết luận quan trọng: Tăng trưởng kinh tế, Môi trường được bảo vệ, Công bằng và tiến bộ xã hội là 3 trụ cột của phát triển bền vững.
Có tăng trưởng kinh tế, thỏa được công bằng và tiến bộ xã hội nhưng môi trường suy thoái, bị hủy diệt thì sự phát triển sẽ không thể bền vững.
Kinh tế tăng trưởng, môi trường được bảo vệ nhưng xã hội bị phân cực giàu nghèo, bị phân tầng quá mức về giáo dục, về hưởng thụ văn hóa sẽ không thể có ổn định xã hội để phát triển.
Một mô hình phát triển mà trong đó kết quả của các thành tựu được chia đều cho mọi người, môi trường được bảo vệ, nhưng kinh tế không hoặc chậm tăng trưởng thì mô hình đó sẽ không thể tồn tại lâu dài được, đặc biệt trong bối cảnh thế giới cạnh tranh quyết liệt và ngày càng hội nhập.

Chỉ có thể có được phát triển bền vững khi mà “đầu ra” của mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự án đầu tư phải thỏa cả 3 trụ cột, nghĩa là nằm trong phần giao “Bền vững” (Hình 1, bên trái).
Các nước, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nhận diện các điều kiện về thể chế, về chính sách, về chính trị, về văn hóa để có thể thỏa cùng lúc 3 trụ cột. Nhưng tất cả đều thống nhất là quản lý nhà nước có vai trò quyết định.
Thực tế đang diễn ra hiện nay ở nước ta, từ sạt lở bờ sông, ở đồng bằng sông Cửu Long, ở đồng bằng sông Hồng; từ lũ ống, lũ quét ở miền Trung và vùng núi phía Bắc (hậu quả của việc khai thác rừng đầu nguồn), đến một số dự án đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... minh chứng cho tính quyết định của quản lý nhà nước đối với sự phát triển bền vững.
Nhưng sự phát triển bền vững không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng xã hội (bao gồm cộng đồng dân cư, các hội, các hình thức hợp tác, các chủ nông hộ, các doanh nghiệp, các viện trường, các nhà khoa học và thông tấn báo chí) bởi lẽ con người là một thành tố của môi trường, vừa tác động lên môi trường để mưu cầu sự sung túc cho mình, nhưng phải gánh chịu hậu quả nếu tác động sai quy luật; và mặt khác con người còn vừa là động lực vừa là đối tượng của phát triển.
Họ tham gia bằng cách xem xét các quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư quan trọng sẽ tác động tích cực hay tiêu cực lên 5 yếu tố WEHAB, sẽ rút ngắn như thế nào sự lạc hậu về hạ tầng cơ sở, một nguyên nhân của tụt hậu và của bất bình đẳng trong hoạt động kinh tế cũng như trong thụ hưởng về văn hóa, giáo dục,...
3. Quy hoạch tích hợp và Nhà nước kiến tạo
Luật Quy hoạch mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp lần thứ 4, khóa XIV, có quy định về việc tích hợp các quy hoạch ngành, địa phương. Luật cũng quy định về quyền và trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân vào việc tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch.
Đây là một bước tiến đi đến quy hoạch tích hợp liên ngành, liên tỉnh và ý kiến của cộng đồng xã hội nhằm đảm bảo 3 “có”: tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Nếu làm tốt công tác tích hợp ý kiến của cộng đồng sẽ có mấy điều lợi cho quy hoạch.
Trước tiên cộng đồng sẽ thấy phần việc, quyền lợi và trách nhiệm của mình (cá nhân và tập thể), thay cho tình trạng hiện nay, quy hoạch thì cứ “từ trên đưa xuống”, xa lạ đối với cộng đồng, với bà con nông dân, còn bà con thì cứ “học nhau”, “tự làm ăn”, “tự bơi” để rồi lao đao với cảnh “được mùa thì rớt giá”.
Thứ hai, nông dân rất nhạy bén với cái mới. Qua việc tham gia đóng góp cho quy hoạch, bà con sẽ thấy “học nhau”, “sao chép” trong sản xuất nông nghiệp là chưa đủ mà cần thiết phải nâng cao hiểu biết về kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp, về quy luật thị trường và về quản trị kinh doanh.
Thứ ba, đây là sự bổ sung cần thiết để mỗi nông hộ chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp và trở thành một doanh nghiệp siêu nhỏ tại cơ sở.
Thứ tư, cộng đồng xã hội sẽ là người trực tiếp góp ý cho quy hoạch và giám sát các biến động bất lợi về 5 yếu tố WEHAB và về môi trường nói chung trong thực tế.
Quy hoạch có tích hợp ý kiến của cộng đồng xã hội sẽ tạo ra sự đồng điệu giữa quản lý nhà nước và cộng đồng xã hội, nền tảng cho phát triển bền vững (Hình 1, phải). Tạo ra sự đồng điệu đó, theo chúng tôi, đó chính là một nội dung của Nhà nước kiến tạo.
GS. Nguyễn Ngọc Trân