Số hóa nông nghiệp để giải quyết những điểm nghẽn trong chuỗi giá trị

Cập nhật ngày: 21/12/2020 08:24:53

ĐTO - Gần đây, thuật ngữ chuyển đổi số được nhắc nhiều tại các hội thảo và diễn đàn về nông nghiệp. Tháng 6 vừa qua, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế mũi nhọn định vị lại giá trị của mình và có thể hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Để hiểu rõ hơn về sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp và các bước cần phải làm hiện nay trong việc số hóa ngành nông nghiệp, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).


Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

PV: Xin bà cho biết Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp thì chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thành Thực (N.T.T.T.): Thực hiện số hóa nền nông nghiệp là bước làm đầu tiên trong việc chuyển đổi số, số hóa dữ liệu ngành để kết nối các nền tảng dịch vụ điện tử, tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của nông nghiệp với nền kinh tế Việt Nam và đông đảo người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang còn khá manh mún, lạc hậu. Việc quản lý cũng cơ bản thủ công, các thống kê, báo cáo đều còn theo lối cũ, thiếu chính xác và không kịp thời. Chính vì thế việc điều tiết cung cầu, tiếp thị sản phẩm còn chung chung, hình thức, giá cả mang tính trồi sụt theo thời vụ cao, người nông dân luôn là người chịu thiệt thòi. Khi đỉnh vụ sản xuất hay thu hoạch, tình trạng thiếu nhân công, phương tiện khiến chi phí cao, nông sản thu dồn dập, thiếu kho chứa, phương tiện... giá bị giảm. Mặt khác, nông sản của chúng ta nhiều mặt hàng xuất khẩu là chủ yếu, vì sản lượng cao gấp nhiều lần khả năng tiêu thụ trong nước. Chính vì thế, để hội nhập và tạo thuận lợi thương mại khi xuất khẩu, chúng ta cần chuyển đổi số để phù hợp trình độ quản lý của các nước tiên tiến, thị trường các nước phát triển có giá cao thì yêu cầu của ứng dụng công nghệ quản lý cũng cao. Nếu chúng ta có các công nghệ giám sát từ xa, minh bạch lý lịch sản phẩm thì nhà nhập khẩu sẽ tiết giảm chi phí giám sát, thanh tra vùng sản xuất, lợi ích của nhà sản xuất sẽ cao hơn, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

PV: Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long đưa việc chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương. Bà nhận định như thế nào về định hướng chiến lược này của Đồng Tháp? Đồng Tháp sẽ phải bắt đầu từ đâu để xây dựng “những viên gạch” đầu tiên cho nông nghiệp số?

Bà N.T.T.T.: Là một tỉnh nông nghiệp lớn và nhiều vùng chuyên canh như cá tra, xoài, lúa, nhãn... với sản lượng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, xuất đi nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu,... Đồng Tháp sớm đưa ra chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu của kinh tế thị trường. Đồng Tháp sớm số hóa nông nghiệp sẽ là bước căn bản để tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả. Nếu không thay đổi phương thức quản lý sản xuất hàng hóa theo con đường kinh tế số thì sẽ tụt hậu và khó cạnh tranh. Số hóa nông nghiệp phải bắt đầu từ từng mét đất, từng hộ nông dân, nông doanh. Bởi đó chính là lực lượng sản xuất và tư liệu sản xuất chủ yếu của ngành nông nghiệp. Nền tảng của nông nghiệp vẫn phải bắt đầu từ ruộng đất và nông dân, nông doanh. Cần có phương pháp, công cụ để số hóa phù hợp với trình độ, năng lực của người dân thì công cuộc số hóa và chuyển đổi số mới thành công.

PV: Theo bà, đâu là những khó khăn, thách thức khi Đồng Tháp muốn thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp? Và, để vượt qua những thách thức ấy thì Đồng Tháp cần phải làm gì?

Bà N.T.T.T.: Khó khăn và thách thức của Đồng Tháp cũng như cả nước, chính là sự nhận thức của người dân và cả chính quyền. Chưa bị áp lực thì cũng thiếu động lực thay đổi. Điệp khúc “được mùa mất giá”, “giải cứu”,... thường xuyên trên các trang báo, các bản tin, ngập tràn mạng xã hội... nhưng rất ít những bài nghiên cứu, mổ xẻ nguyên nhân sâu xa. Một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng ta thiếu thông tin, từ thông tin nơi sản xuất, nguồn hàng, chất lượng sản phẩm cho đến thông tin thị trường, thông tin đối thủ cạnh tranh... Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là then chốt trong kinh tế thị trường hiện nay và tương lai. Thế giới đã bước sang kỷ nguyên số, mọi hoạt động kinh tế số thay đổi mỗi ngày, nếu chúng ta không nhận thấy sẽ ngày càng tụt hậu và yếu sức cạnh tranh.

PV: Trong sân chơi mới này, người nông dân sẽ có được những lợi ích gì?

Bà N.T.T.T.: Khi thực hiện chuyển đổi số, người nông dân sẽ nâng cao nhận thức của mình, thuần thục sử dụng công nghệ. Khi tự tin trong việc ứng dụng công nghệ số, nông dân sẽ tự mình học hỏi, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Mở rộng tầm nhìn và thay đổi cách làm để nâng cao sức cạnh tranh, chắc chắn điều kiện làm việc sẽ được cải thiện, giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn, lợi nhuận sẽ cao hơn. Đặc biệt, khi nông dân thay đổi phương thức canh tác, con cháu họ sẽ muốn trở về nhà hơn, tiếp nối cha ông làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

P.V: Xin cảm ơn bà!

Mỹ Lý (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn