Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 13/01/2016 12:40:01

Để tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đề ra định hướng gắn kết hai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) và xây dựng nông thôn mới (NTM).


Sản xuất gắn với tiêu thụ là một trong những giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới

Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TCCNN và xây dựng NTM được xem là hai mũi tiến công trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn nhằm tạo ra sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Định hướng lâu dài sẽ giải quyết vấn đề lao động đi ra từ nông thôn, việc làm, thu nhập và nhất là cơ hội để đa số cư dân nông thôn dựa trên chính sức mình và tài nguyên của quê hương tiến vào xã hội tương lai, hiện đại và văn minh.

Trên định hướng gắn kết đó, tỉnh bước đầu hình thành và phát triển phương thức tổ chức sản xuất và quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp. Trong đó, mở rộng mô hình hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và xây dựng cánh đồng lớn. Mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho nông dân. Qua canh tác, nông dân sản xuất trong các cánh đồng liên kết đã giảm giá thành sản xuất lúa từ 650 - 700 đồng/kg, lợi nhuận từ 22 - 23 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất nhỏ lẻ).

Kinh tế hợp tác đã được quan tâm và trở thành xu thế phát triển trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 139 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực. Năm 2014, có 86% HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả với tổng lợi nhuận là 30,7 tỷ đồng, bình quân 256 triệu đồng/HTX. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi hoạt động của HTX theo Luật HTX sửa đổi, đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho HTX. Thí điểm biệt phái cán bộ ngành nông nghiệp về làm việc tại HTX và xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa HTX - doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo và thủy sản.

Cùng với những nỗ lực đổi mới về phương thức sản xuất, TCCNN và xây dựng NTM đã tăng cường kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước nhằm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, kết nối từ xã đến thành thị. Đến nay, tỉnh đã kêu gọi được 7 dự án hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư. Song song đó, tỉnh hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ mới, nhân rộng các mô hình hiệu quả cho nông dân. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt gần 27,42 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,17 lần so năm 2010.

Dù tăng trưởng nông nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức ổn định, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa đi vào chiều sâu. Một bộ phận người dân (10,8%) ở các xã NTM chưa an tâm và cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn mà nguyên nhân chính là do chưa tìm được việc làm ổn định, giá cả nông sản thấp...

Trước thực trạng đó, giải pháp để TCCNN và xây dựng NTM trong thời gian tới được ngành nông nghiệp định hướng là tiếp tục xây dựng các cánh đồng liên kết, áp dụng các biện pháp hạ giá thành nông sản. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm phụ của nông nghiệp, phát triển các nông sản theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Theo đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời tăng hàm lượng khoa học công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn nhằm từng bước nâng cao trình độ nông dân; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và quan hệ sản xuất mới. Đưa nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp vào vai trò trọng tâm của TCCNN và xây dựng NTM.

Trên tinh thần gắn kết 2 đề án, ngành nông nghiệp tập trung nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục dạy nghề, đào tạo nghề để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển dịch kinh tế nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chương chính sách nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề gắn kết du lịch; nâng cao vật chất tinh thần của người dân nông thôn, quan tâm bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người dân Đồng Tháp...

K.D

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn