Tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” trong đầu tư xây dựng cơ bản

Cập nhật ngày: 04/03/2021 15:23:45

ĐTO - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.


Lãnh đạo UBND tỉnh nghe các ý kiến tại hội nghị

Tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là 4.612,391 tỷ đồng (không bao gồm nguồn thu tiền sử dụng đất 600 tỷ đồng). Trong đó, vốn năm 2019 chuyển sang 733,160 tỷ đồng; vốn năm 2020 là 3.879,231 tỷ đồng. Giải ngân cả năm 2020 là 3.475,578 tỷ đồng, đạt 75,35%, thấp hơn so với cùng kỳ là 3,31% (năm 2019, đạt 78,66%). Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh là 3.929,809 tỷ đồng (không bao gồm 750 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất). Trong đó đã phân bổ chi tiết 2.971,201 tỷ đồng (kể cả 34,5 tỷ đồng vốn ODA địa phương vay lại của Trung ương), đạt 76% kế hoạch; số vốn còn lại chưa phân bổ 958,608 tỷ đồng. Đối với các dự án, công trình đã được giao kế hoạch vốn, đến ngày 22/2/2021, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý và phân bổ là 33,735 tỷ đồng/2.465,955 tỷ đồng, đạt 1,37%. Tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn so với Nghị quyết số 378/NQ-HĐND cho các dự án khác có nhu cầu bố trí vốn năm 2021 như: tiếp tục hỗ trợ có mục tiêu cho 2 huyện Cao Lãnh và Châu Thành đầu tư xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới là 80 tỷ đồng; phân bổ cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2021 thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo 76,585 tỷ đồng; phân bổ cho dự án hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp 34 tỷ đồng.

Đại diện nhiều chủ đầu tư, đơn vị liên quan đã phân tích các nguyên nhân giải ngân chậm trong năm 2020, nhận trách nhiệm trước UBND tỉnh và hứa cố gắng thực hiện tốt hơn trong năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, UBND tỉnh đã giao công tác đầu tư công cụ thể, minh bạch từ đầu năm nên các chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm để các công trình đảm bảo đúng tiến độ, tạo niềm tin trong Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp chủ động đổi mới phương thức trong chỉ đạo, giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc trong đầu tư công, tập trung vào các khâu như: chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, công tác phối hợp, tham mưu, giải phóng mặt bằng, năng lực thực hiện các công đoạn, thanh toán, quyết toán... Lãnh đạo mỗi ngành, địa phương, đơn vị cần nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong xây dựng cơ bản để có giải pháp giải quyết theo thẩm quyền và nên chủ động phối hợp giải quyết thay vì chờ và đổ thừa... UBND tỉnh sẽ tổ chức đánh giá năng lực quản lý, điều hành công tác đầu tư xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn