Thành phố Cao Lãnh:

Thương mại - dịch vụ phát triển ổn định

Cập nhật ngày: 11/11/2015 12:25:47

Xác định mục tiêu hàng đầu trong trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là thương mại - dịch vụ (TMDV), những năm qua, Thành ủy và UBND thành phố Cao Lãnh (TPCL) đã có những định hướng, mục tiêu phát triển TMDV ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn. Đồng thời tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho TMDV phát triển.


TP.Cao Lãnh có nhiều chi nhánh và văn phòng đại diện hoạt động ở lĩnh vực tài chính ngân hàng

TMDV là khu vực kinh tế có tỷ trọng cao nhất trong tổng sản phẩm của TPCL, năm 2011 là 62,2%, ước năm 2015 chiếm hơn 65%. Các năm qua, khu vực kinh tế này luôn dẫn đầu tốc độ tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của kinh tế thành phố. Hàng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa (giá năm 2010) đều tăng, năm 2011 là 4.273,7 tỷ đồng, năm 2012 gần 5.061 tỷ đồng và năm nay ước đạt trên 9.583 tỷ đồng. Trên địa bàn TPCL có nhiều siêu thị chuyên doanh và tổng hợp, một số cửa hàng bách hóa tự chọn và 18 chợ (trong đó có 1 chợ trung tâm, 1 chợ đầu mối thủy sản, 6 chợ loại 2, 10 chợ loại 3); hơn 9.830 cơ sở kinh doanh TMDV. Cụ thể, lĩnh vực thương mại có 5.801 cơ sở, dịch vụ 1.826 cơ sở và khách sạn, nhà nghỉ là 2.206 sơ sở.

Đặc biệt, các dịch vụ cao cấp phát triển mạnh như: tài chính ngân hàng; bưu chính, viễn thông; tư vấn xây dựng, giao thông vận tải; y tế, giáo dục... Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 24 chi nhánh và văn phòng đại diện hoạt động ở lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các xã, phường có bưu cục và nhiều cửa hàng điện thoại di động lớn. Thành phố phát triển một số phòng khám và bệnh viện tư, nhiều bệnh viện công cũng đã có thêm dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các loại hình bảo hiểm ngày càng phát triển; hình thành các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, luyện thị đại học... các cửa hàng thời trang, dịch vụ làm đẹp... ngày càng phát triển.

Theo Phòng Kinh tế TPCL, hoạt động xúc tiến thương mại có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố với các ngành hữu quan của tỉnh, đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới và xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm đầu ra cho hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Trong 5 năm qua, lĩnh vực TMDV phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của người dân địa phương. Tuy nhiên, chỉ có TMDV phát triển, còn ngành du lịch chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Vấn đề đặt ra là làm sao phát triển TMDV phải gắn với du lịch. Theo Phòng Kinh tế TPCL, thành phố cần quan tâm việc đầu tư xây dựng các dịch vụ lưu trú đạt tiêu chuẩn; cùng với đó là dịch vụ mua sắm và ăn uống. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền Đề án du lịch của thành phố; gắn kết các tour du lịch; tuyên truyền, vận động và kiểm tra các nơi phục vụ du lịch, tránh tình trạng giành khách, “nói thách” trong kinh doanh...

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn