Tọa đàm về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật ngày: 05/10/2019 17:27:46

Ngày 4/10, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm tìm ra giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.

Chủ trì buổi toạ đàm có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng, Thạc sĩ Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch Đồng Tháp.

Tại buổi toạ đàm, Thạc sĩ Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL đã chia sẻ nhiều thông tin về loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, giới thiệu một số điển hình homestay và farmstay trên thế giới.

Cùng với đó, ông cũng đưa ra những đánh giá cụ thể về thực trạng của du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp hiện nay. Thạc sĩ Phan Đình Huê cho rằng, Đồng Tháp có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp với những phong cảnh đồng lúa, vườn cây và những món ăn dân dã đậm chất đồng bằng... Thực tế, thời gian qua loại hình du lịch nông nghiệp của tỉnh cũng có những bước phát triển theo chiều sâu với nhiều sản phẩm nông nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, được tiêu thụ tại chỗ, đem lại nguồn thu lớn và lợi nhuận hơn cho nông dân; các loại hình du lịch như trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, sinh thái… ngày càng phát triển bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống.


Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL Phan Đình Huê chia sẻ nhiều thông tin về loại hình du lịch nông nghiệp

Tuy nhiên, qua chuyến khảo sát thực tế tại 10 điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông đưa ra những điểm hạn chế của các điểm du lịch của tỉnh nói chung, đó là: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và công trình phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh; tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu; sản phẩm chưa có tính độc đáo, quy mô manh mún, nhỏ lẻ thiếu tính chuyên nghiệp; phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản...

Theo chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL Phan Đình Huê, để du lịch cộng đồng – nông nghiệp đi vào bài bản, ngoài yếu tố thị trường, du lịch nông nghiệp cần lưu ý 2 yếu tố đó là cơ sở hạ tầng và văn hoá ẩm thực. Ở yếu tố hạ tầng, các điểm du lịch nông nghiệp nông thôn cần chú ý đến không gian nghỉ dưỡng cũng như cách thức thiết kế, trang trí cho không gian này thật sự hài hoà tạo sự thân thiện, sạch sẽ và thoải mái trong lòng du khách.“Dây chuyền trong phát triển du lịch nông nghiệp cũng phải thật hoàn thiện mới đảm bảo tính bền vững. Chẳng hạn, đối với điểm du lịch trải nghiệm kết hợp nghỉ dưỡng phải phục vụ như thế nào để khi du khách xuống ruộng sẽ là một nông dân thực thụ, nhưng khi họ bước lên bờ thì là người thành phố và các dịch vụ mang đến phải đủ chuẩn cho người thành phố” - chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL Phan Đình Huê chia sẻ.

Song song đó, theo chuyên gia Phạm Đình Huê, ẩm thực cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng trong du lịch nông nghiệp, ẩm thực phải vừa mang tính thẩm mỹ, vừa mang tính đặc trưng của vùng miền và nhất là phải đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, phải hạn chế sử dụng thiết bị dùng đồ nhựa vừa tránh gây ô nhiễm môi trường vừa tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách....


Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến, quan điểm về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Trong đó, các đại biểu đề nghị có sự kết nối giữa các điểm tham quan, du lịch với đơn vị lữ hành; thành lập Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch; tạo không gian cộng đồng cùng làm du lịch; khai thác giá trị thiên nhiên ưu đãi cho Đồng Tháp để phát triển du lịch; giữ không gian yên bình vốn có của làng quê....

Ghi nhận và cảm ơn những ý kiến của chuyên gia và các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trong những năm tới, cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn lấy nền tảng phát triển là nông nghiệp, bên cạnh đó là dịch vụ du lịch nông nghiệp, vì vậy tỉnh rất cần tiếp nhận các ý kiến đóng góp lĩnh vực này để có sự định hướng phù hợp. Đồng thời, ông đề nghị các địa phương, trong phát triển du lịch phải gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ nhà vườn, cơ sở làm du lịch, làng nghề trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn