Làng nghề đan mê bồ Mỹ Trà

Trăn trở chuyện giữ nghề

Cập nhật ngày: 11/04/2017 06:54:54

ĐTO - Theo UBND xã Mỹ Trà, hiện toàn xã chỉ còn khoảng 100 hộ tham gia sản xuất mê bồ, lao động chủ yếu là phụ nữ và người già... Cách đây hơn 30 năm, khi sản phẩm mê bồ ở thời kỳ hưng thịnh, công việc đan mê bồ đã giúp cho hàng trăm hộ dân ở làng nghề mê bồ xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đứng trước những thay đổi lớn trong xu thế tiêu dùng, sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường, người dân làng nghề mê bồ đang đối mặt với nhiều khó khăn khi bám trụ với nghề.


Đan mê bồ

Theo UBND xã Mỹ Trà, hiện toàn xã chỉ còn khoảng 100 hộ tham gia sản xuất mê bồ, giảm rất nhiều so với cách đây vài chục năm, lao động chủ yếu là phụ nữ và người già. Nguyên nhân chính khiến cho làng nghề bị thu hẹp là do khó khăn về thị trường tiêu thụ; khan hiếm nguyên liệu đầu vào.

Ông Nguyễn Văn Hoa, một hộ dân ở làng nghề đan mê bồ xã Mỹ Trà tâm sự: “Sản phẩm mê bồ đang mất dần trên thị trường do nhiều gia đình không còn thói quen dùng mê bồ để trữ lúa như trước kia. Hiện nay, bà con làng nghề vẫn cầm cự được với nghề là do mê bồ được sử dụng làm đệm lót cho các xà lan chở lúa, các lò sấy nhãn, phục vụ tại các công trình xây dựng và được các thương lái mang sang thị trường Campuchia tiêu thụ”.

Tuy nhiên, có một nghịch lý khiến nhiều hộ dân ở làng nghề trăn trở là hiện nay giá tre, trúc càng ngày càng tăng do khan hiếm nguồn cung, trong khi giá sản phẩm mê bồ càng ngày càng xuống thấp. So với cùng kỳ các năm trước, giá mê bồ ruột giảm từ 4 - 6 ngàn đồng/mê; mê bồ da giảm từ 10 - 15 ngàn đồng/mê. Với bà con làng nghề đan mê bồ, nguồn thu nhập chủ yếu là lấy công làm lời, khi giá mê bồ càng ngày càng giảm mạnh thì lợi nhuận cũng teo tóp dần.

Bà Đặng Thị Liễu, một hộ có thâm niên với nghề đan mê bồ chia sẻ: “Hiện nay, giá mê bồ đang xuống rất thấp, một người trẻ tuổi làm quần quật cả ngày thu nhập khoảng 100 - 120 ngàn đồng, còn người già thì đan cả ngày chỉ được vài chục ngàn đồng. Không sống nổi với nghề nên hiện nay đám trẻ trong làng đi tìm việc làm ở TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. Dù yêu nghề nhưng với tình hình không khả quan như hiện nay thì việc trụ lại với nghề này không phải chuyện dễ dàng”.

Theo ông Trần Minh Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh, địa phương đã tham mưu UBND thành phố, chọn làng nghề đan mê bồ làm điểm du lịch cộng đồng, với mục đích vừa quảng bá du lịch địa phương vừa giúp người dân trong làng nghề có thêm thu nhập.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn