Trí tuệ nhân tạo - Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay

Cập nhật ngày: 27/03/2024 10:45:01

ĐTO - Sáng ngày 27/3, tại TP Cao Lãnh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị chuyên đề trí tuệ nhân tạo (AI) - Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay. Tham gia có đại diện lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành tỉnh.


 Quang cảnh hội nghị

Tại chương trình, TS. Phan Trần Minh Khuê - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh thông tin về những nội dung về trí tuệ nhân tạo và các xu hướng mới hiện nay.

Theo TS. Khuê, hiện nay, AI đang phổ biến, có 56% các tổ chức toàn cầu đã sử dụng AI; 47% công ty đã kết hợp AI vào một chức năng kinh doanh; 63% các tổ chức dự định áp dụng AI trên toàn cầu trong vòng ba năm tới; 84% tổ chức trên toàn cầu tin rằng AI là ưu tiên chiến lược...

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới nhằm hướng đến việc đạt thành tựu tích cực về nghiên cứu và phát triễn ứng dụng AI, điển hình như: FPT AI, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI... Đồng thời, công nghệ AI cũng phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; ô tô thông minh và xe tự lái - Vingroup; công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao-Viettel. Hay dùng AI để tự động bóc tách dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử - VNPT...

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới; xây dựng 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo uy tín trong khu vực; 3 trung tâm quốc gia lưu trữ dữ liệu lớn; 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

TS. Khuê cho rằng: “Thực hiện chiến lược triển khai ứng dụng AI, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu, nhu cầu triển khai, tiếp đến là đánh giá năng lực tiếp nhận và triển khai công nghệ mới và phổ cập kiến thức, kỹ năng làm việc cơ bản với AI. Từ đó, tìm giải pháp cơ bản, triển khai thí điểm với các ứng dụng AI...”.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nắm bắt thêm nhiều thông tin về các ứng dụng AI trong một số lĩnh vực nông nghiệp, an ninh, giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, quản lý hành chính… Đồng thời, chia sẻ các khó khăn, thách thức và rào cản, các chiến lược triển khai để thành công.

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn