Vì sao lũ về muộn, lên chậm nhưng lại rút sớm?

Cập nhật ngày: 17/10/2019 06:18:57

Thời điểm này, nước lũ đang bắt đầu rút lui khỏi các cánh đồng, đã tạo ra hình ảnh mùa lũ 2019 “bất thường toàn tập”. Bởi trước đó, lũ về muộn rồi dâng nước lên rất chậm so với trung bình nhiều năm... Vì sao lại có sự bất thường này? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Bùi Đạt Trâm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn và Môi trường tại TP.HCM.


Sau khi về muộn, lũ 2019 lại rút sớm

PV: Nhiều người cho rằng lũ năm 2019 bất thường, vì sao, thưa Tiến sĩ?

TS. Bùi Đạt Trâm: Đúng là lũ năm 2019 rất bất thường: Lũ về muộn - lên chậm rồi rút nhanh hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân do cả thiên tai lẫn nhân tai. Về thiên tai, năm nay ảnh hưởng của El-nino gây ra hạn hán nặng ở khu vực Đông Nam Á, thể hiện xuyên suốt phần lớn mùa mưa, hoạt động gió mùa Tây Nam yếu; giải hội tụ nhiệt đới, bão, đường đứt, trục rãnh thấp trên biển Đông có cường độ yếu, số lần xuất hiện ít và không liên tục... Do đó không gây ra được mưa lớn trên diện rộng, liên tục đủ sức tạo ra lũ vừa, lũ lớn trên lưu vực sông Mekong nói chung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng... Trong khi đó, bản thân con người, với những hoạt động xã hội, kinh tế của mình cũng đã làm cho thiên tai thêm trầm trọng hơn như: hệ thống đập thủy điện, hồ thủy nông ở thượng nguồn và mức độ khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất và đời sống của các nước dọc sông Mekong ngày càng lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn ở đây là đến nay, mức độ ảnh hưởng này vẫn chưa được định lượng cụ thể, chỉ mới dừng lại ở mức định tính, phỏng đoán...

PV: Tiến sĩ nhận xét gì khi có ý kiến cho rằng nạn thiếu nước ở ĐBSCL có thể sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới?

TS. Bùi Đạt Trâm: Đây là vấn đề đã được nhiều nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu cảnh báo trên phạm vi toàn cầu chứ không riêng ĐBSCL. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do con người dùng nhiên liệu hóa thạch quá lớn, phát ra lượng khí thải vào không gian, tạo ra hiện tượng “khí nhà kính” làm cho trái đất ngày càng nóng lên, gây ra biến đổi khí hậu - nước biển dâng; cường độ và tần xuất xuất hiện các cực đoan thời tiết và khí hậu ngày càng lớn và dày hơn. Bên cạnh đó, con người khai thác tài nguyên thiên nhiên như nước, rừng, đất, thủy sản,... ngày càng nhiều dẫn đến cạn kiệt các loại tài nguyên, môi trường sống bị tổn thương và phá hủy nặng nề, góp phần tích cực thúc đẩy biến đổi khí hậu...

PV: Trước thực trạng đó, có ý kiến đề xuất quy hoạch 2 vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên để “trữ nước”. Tiến sĩ nhận xét gì?

TS. Bùi Đạt Trâm: Đây là “đại dự án” không dễ thực hiện trong bối cảnh có nhiều ràng buộc, chồng chéo, đa dạng như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể “chung sống bình thường với sự bất thường này” mà không cần phải thực hiện “đại dự án”. Ai cũng biết, sau năm 1975, liên tục có các trận lũ lớn trên sông Mekong làm ngập sâu, ngập dài ngày trên diện rộng của ĐBSCL vào các năm: 1978, 1984, 1991, 1996, 2000, 2001,... đã tàn phá nặng nề ĐBSCL,... Trước thực cảnh này, nhân dân ĐBSCL đã thông minh và sáng tạo dựa vào thế sông-kênh, thế địa hình, thế nước để khoanh vùng hợp lý bằng các tuyến đê bảo vệ sản xuất, hạ tầng, môi trường,.. cho từng cánh đồng rộng lớn mang lại hiệu quả rất cao về kinh tế-xã hội-môi trường.

Tổng kết sản xuất ở các tỉnh miền Tây trọng điểm vùng lũ lụt ĐBSCL trong nhiều năm qua gần đây cho thấy: Lũ ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và dòng chảy thượng nguồn sông Mekong nên rất “đỏng đảnh”. Lũ lớn, lũ trung bình và lũ nhỏ, lũ siêu nhỏ đan xen nhau làm ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, đời sống và môi trường toàn vùng. Đứng trước tình hình trên, các tỉnh vùng ngập lụt ĐBSCL lại tìm ra hướng đi tiếp rất hay trong phòng, chống thiên tai lũ lụt, hạn kiệt, mặn,... Đó là nâng cấp hệ thống đê ĐBSCL đủ sức làm nhiệm vụ tổng hợp ngăn lũ và tích lũ bảo vệ sản xuất cho nhiều mô hình có cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi khác nhau. Trong đó có mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ nuôi trồng thủy sản tôm-cá kết hợp gieo trồng các loại cây thủy sinh thích hợp (chính là vụ 3). Nếu gặp năm lũ lớn thì hệ thống đê làm nhiệm vụ phòng lũ như thường lệ, mở - đóng cống dẫn nước vào đồng phục vụ theo yêu cầu của sản xuất. Nhưng nếu gặp năm lũ nhỏ thì dùng máy bơm điện bơm nước lũ vào đồng ruộng để tích lũ phục vụ nuôi tôm cá kết hợp trồng các loại cây như súng, ấu, sen, điên điển,.. Cuối mùa lũ, đầu mùa khô thì tôm cá đã đủ lớn cùng các loài cây thủy sinh đã đúng kỳ cho thu hoạch thì xả nước lũ còn lại trong đồng ra sông kênh rạch từ từ để thu hoạch, lượng nước xả này sẽ chảy về miệt dưới giúp ngọt hóa và giảm mặn trong mùa khô cho vùng duyên hải.

Tại hội nghị tổng kết chương trình quốc tế REACT về biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Mekong cho 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam (giữa tháng 9/2019) tại TP.HCM và tại hội nghị “ĐBSCL thiếu tiền và thiếu nước” vừa được tổ chức vào đầu tháng 10/2019 tại An Giang, các nhà nông, các nhà khoa học đều nhấn mạnh phải tôn tạo hệ thống đê ĐBSCL gắn với hệ thống trạm bơm hiện đại đủ sức phòng, chống khi lũ cao về và tích nước khi lũ thấp xuất hiện,... phục vụ các mô hình sản xuất như trên đã nêu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu-nước biển dâng-biến động dòng chảy thượng nguồn,...

PV: Theo Tiến sĩ, ĐBSCL nên làm gì để phát triển ổn định, bền vững?

TS. Bùi Đạt Trâm: Trước hết là phải kiện toàn khung pháp lý mang tính ràng buộc về sử dụng tài nguyên nước hợp lý ở các lưu vực sông lớn chảy qua lãnh thổ nhiều quốc gia. Vì trên thực tế vấn đề này có phần lỏng lẻo, lờ mờ... Và trong khi chờ đợi điều này trở thành hiện thực, chúng ta có thể tranh thủ giải quyết bằng con đường ngoại giao qua Ủy ban Quốc tế sông Mekong, nghiên cứu các giải pháp mềm mà các bên có thể thỏa hiệp được, cùng chia sẻlợi ích tài nguyên nước lưu vực sông Mekong.

PV: Xin cám ơn Tiến sĩ.

Lục Tùng (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn