Công tác phòng, chống thiên tai còn nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 06/01/2024 16:56:09

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240106045716dt3-4.mp3

 

ĐTO - 3 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác này trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành, các cấp cần nỗ lực hơn để phát huy hiệu quả.


Sạt lở bờ sông, rạch xảy ra nhiều nơi trong tỉnh

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp; công tác dự báo, cảnh báo mặc dù đã được nâng cấp thường xuyên, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các bản tin dự báo, cảnh báo chủ yếu là bản tin dự báo, cảnh báo ngắn hạn, các bản tin dự báo trung và dài hạn còn ít và độ tin cậy chưa cao gây khó khăn trong việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH-PCTT&TKCN) cấp tỉnh, Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH-PCTT&TKCN cấp huyện, xã và lực lượng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách, thay đổi liên tục, nhất là cấp xã nên còn lúng túng trong triển khai phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Một bộ phận người dân chưa chủ động trong phòng, chống thiên tai nên thiệt hại xảy ra còn nhiều. Công tác chuẩn bị theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng” ứng phó thiên tai chưa thực sự được quan tâm đúng mức nên khi có tình huống thiên tai phức tạp xảy ra việc xử lý còn lúng túng, chưa kịp thời.

Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 122/143 đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, với tổng số 10.311 thành viên để thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng”. Tuy nhiên, số lượng thành viên tham gia lực lượng xung kích cấp xã còn thiếu, hầu hết chưa được tập huấn và do nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế nên tỉnh chưa đầu tư trang thiết bị, chưa bố trí kinh phí hoạt động cho lực lượng xung kích cấp xã dựa trên cơ sở hướng dẫn tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nên chưa phát huy được hết năng lực có thể khai thác từ lực lượng này (trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, nhất là trong một số tình huống thiên tai khẩn cấp).

Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có sông Tiền dài 122,9km và sông Hậu dài 34,4km chảy qua (tổng chiều dài khoảng 157km), hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, mật độ sông ngòi của tỉnh thuộc nhóm cao so với bình quân cả nước. Hệ thống sông ngòi này mang lại giá trị lớn về giao thông thủy, nguồn nước, thủy lợi, cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều đoạn sông, kênh, rạch bị người dân lấn, chiếm để xây dựng công trình, nhà ở, làm thu hẹp dòng chảy, hạn chế khả năng tạo nguồn, tiêu thoát nước.

Việc người dân xây dựng công trình, nhà ở ven sông, rạch luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nguy hiểm, đe dọa tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ, gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa và hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất thường làm cho tình trạng sạt lở công trình, nhà ở ven sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng. Theo thống kê, tỉnh có khoảng 5.000 trường hợp, công trình, 40.000 trường hợp nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch. Do chưa có cơ chế chính sách, hỗ trợ chuyển đổi chỗ ở, cũng như các nguồn lực cần huy động để giải quyết tình trạng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch nên việc giải quyết thực trạng này chưa đạt kết quả như mong đợi, nếu để tồn tại lâu thì càng phức tạp, càng khó giải quyết. Do tập quán gắn liền với sinh kế (thuận lợi trong việc nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ...) và điều kiện làm ăn sinh sống thuận lợi tốt hơn khi vào các cụm, tuyến dân cư, đa số hộ dân xây dựng nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch là hộ nghèo, cận nghèo, có điều kiện kinh tế thấp, không có khả năng tự di dời trong khi Nhà nước không đủ nguồn lực để hỗ trợ việc tái định cư.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi quy định công tác quản lý trật tự xây dựng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch chưa đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, chưa có cơ chế chính sách, hỗ trợ chuyển đổi chỗ ở, cũng như các nguồn lực cần huy động để giải quyết tình trạng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như chỉ đạo, điều hành tại địa phương.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn