Đi để hiểu về hơi thở cuộc sống

Cập nhật ngày: 28/08/2013 05:46:46

Từ nhỏ, Châu Hoàng Trọng (SN 1987, ngụ Châu Thành, Đồng Tháp) đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Năm 1994, lần đầu tiên Hoàng Trọng tham gia Hội thi vẽ tranh Sắc màu tuổi thơ do tỉnh tổ chức và vinh dự nhận được giải A.

Những năm sau đó, Hoàng Trọng đều tham gia và đạt giải các cuộc thi vẽ tranh do các Hội ngành tỉnh tổ chức. Thấy con có khiếu và say mê vẽ tranh, ba mẹ Hoàng Trọng luôn khích lệ tinh thần và khuyến khích Hoàng Trọng đi theo con đường nghệ thuật này.


Tác giả Châu Hoàng Trọng

Với niềm đam mê hội họa, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Trọng đã ấp ủ ước mơ được theo học ngành mỹ thuật. Năm 2005, khi biết Trường Đại học Đồng Tháp mở ngành học mà mình yêu thích, Hoàng Trọng đã thi vào và đậu với điểm số cao. Trong quá trình học đại học, Hoàng Trọng được kết nạp là hội viên chuyên ngành mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp.

Năm 2009, tốt nghiệp đại học với danh hiệu thủ khoa toàn khóa (cả bậc đại học và cao đẳng) chuyên ngành sư phạm Mỹ thuật, Hoàng Trọng được Trường Đại học Đồng Tháp mời ở lại trường tham gia công tác giảng dạy. Hiện Hoàng Trọng đã có trong tay bằng thạc sĩ ngành mỹ thuật.

Ngoài công tác giảng dạy, Hoàng Trọng còn tham gia sáng tác hội họa. Để tạo ra được “đứa con tinh thần” của mình, Hoàng Trọng thường thực hiện những chuyến đi. Có khi là những chuyến đi trong tỉnh và cả những chuyến đi thực tế dài ngày tại các tỉnh: Kiên Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận,... Hoàng Trọng cho biết, những chuyến đi về quê nội ở Bến Tre, anh tranh thủ lấy tư liệu, tìm thứ đặc trưng của miền quê xứ dừa rồi thể hiện qua từng nét cọ. Những tác phẩm của Hoàng Trọng như: Bến Quê, Con nước tháng mười, Hồn xưa, Sau mùa nước nổi, Vượt khó,... đều gợi cảnh sinh hoạt của người dân lao động.

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, để sáng tác một tác phẩm mỹ thuật, người hoạt động chuyên môn lĩnh vực này có thể ngồi tại chỗ “gõ” tìm một địa điểm nào đó để ra được hình ảnh, sau đó người sáng tác hội họa có thể sáng tác tác phẩm trên nền hình ảnh ấy. Thế nhưng với Hoàng Trọng, chỉ có đi mới vẽ được, đi để hiểu về hơi thở của cuộc sống. Bận bịu với công tác giảng dạy nhưng trung bình mỗi năm, Hoàng Trọng cũng dành 5 đến 6 chuyến đi thực tế sáng tác.

Hoàng Trọng tâm sự: “Để thực hiện những trăn trở, những đề tài ấp ủ, mình đều đi thực tế tìm hiểu tâm tư nguyện vọng người dân, tác dụng của những công cụ mà người nông dân sử dụng để đưa vào tác phẩm một cách có chọn lọc. Trong những chuyến đi thực tế có gian khổ nhọc nhằn nhưng mình cảm nhận được đời sống người dân với những buồn vui, qua đó giúp mình có cảm xúc hơn mỗi khi sáng tác”.

Họa sĩ Dương Quản Đại - Phân hội Trưởng Phân hội Mỹ thuật, Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp cho biết, thế mạnh của Hoàng Trọng là tranh sơn khắc, thường sáng tác về đề tài quê hương, cuộc sống. Với vai trò là hội viên và Ủy viên Ban chấp hành Phân hội Mỹ thuật, Hoàng Trọng làm việc rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, là họa sĩ trẻ tiêu biểu của tỉnh.

Dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp hội họa của tác giả trẻ Hoàng Trọng là 2 năm liền đạt giải thưởng mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long: năm 2012 đạt giải Khuyến khích với tác phẩm Bến quê và năm nay đạt giải Nhì với tác phẩm Con nước tháng mười. Đây chính là động lực giúp Hoàng Trọng phát huy hơn nữa trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn