Chủ động đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh

Cập nhật ngày: 09/05/2024 15:01:04

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240509030137dt2-6.mp3

 

ĐTO - Để ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong mùa khô, thời gian qua, các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của người dân...


Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành hữu quan kiểm tra trạm bơm điện của Hợp tác xã Thành Lập (xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng)

CHỦ ĐỘNG ĐẢM BẢO NƯỚC TƯỚI PHỤC VỤ SẢN XUẤT

Theo UBND huyện Hồng Ngự, thời gian qua, huyện tập trung nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn, cống hở nhằm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân trong mùa khô. Đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng, chống hạn hán; các đơn vị và cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra các vùng bị hạn nhằm kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tốt công tác phòng, chống hạn. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu mực nước trong mùa khô, rà soát kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập. Bố trí chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương...

Tại huyện Tân Hồng, trong vụ hè thu, địa phương cần đảm bảo đủ nước tưới cho gần 24.000ha diện tích lúa; hơn 1.600ha hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và nhu cầu dùng nước sinh hoạt của người dân. Trước tình hình này, UBND huyện cùng các ngành, xã, thị trấn tập trung triển khai nạo vét các tuyến kênh trục thủy lợi, nội đồng nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện nạo vét kênh tạo nguồn với công trình kênh Cái Cái (từ kênh Sở Hạ đến kênh Tân Thành - Lò Gạch) với quy mô chiều dài nạo vét hơn 4.150m, cao trình đáy kênh 3,5m; tiến độ thi công đạt hơn 50%. Công trình khi hoàn thành sẽ phục vụ tưới tiêu cho diện tích 1.500ha sản xuất của người dân các ấp thuộc xã Thông Bình. Ngoài ra, huyện tiến hành nạo vét các tuyến kênh: Cả Trấp 2, Ngọn Sa Rài, Sa Trung... góp phần đảm bảo tốt nhu cầu tưới tiêu cho các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Mến - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thành Lập (xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng), cho biết: “Thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), hợp tác xã được đầu tư trạm bơm điện với các hạng mục: nhà trạm, bể hút, bể xả, hào kỹ thuật, cống điều tiết. Đồng thời đầu tư đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất với tổng chiều dài hơn 3.400m, góp phần phục vụ tốt việc sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Bên cạnh việc sản xuất, hợp tác xã còn chú trọng phát triển thêm các dịch vụ làm đất và liên kết tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao thu nhập của bà con xã viên”.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái, hàng đầu) đánh giá cao quy mô công trình Trạm bơm Bảy Ngỏi (huyện Hồng Ngự)

Ông Phan Công Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cho biết: “Để tiếp tục phòng, chống hạn hán, xâm ngập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình xuống giống vụ hè thu. Trong đó, phối hợp các phòng, ban, ngành tuyên truyền các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán tăng mạnh, kéo dài để người dân biết nâng cao nhận thức tiết kiệm nước hiệu quả. Cùng với đó, đề nghị các xã, thị trấn làm việc với các chủ trạm bơm, tưới nạo vét các luồng lạch, ụ bơm theo dõi những đợt triều cường để chủ động bơm tưới luân phiên, đảm bảo cho sản xuất vụ hè thu. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình nạo vét, sửa chữa cống nhằm đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân...”.

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2023 - 2024 tại huyện Tân Hồng và huyện Hồng Ngự vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó của các địa phương thông qua việc đầu tư nâng cấp các công trình nhằm góp phần nâng cao khả năng tưới tiêu, phục vụ tốt sản xuất xanh và bền vững cho nông dân khu vực vùng biên giới. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ việc canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng cánh đồng thông minh, trạm bẫy rầy thông minh, củng cố hạ tầng...


Nông dân huyện Tân Hồng chủ động các biện pháp nước tưới phục vụ sản xuất cho vụ hè thu (Ảnh: Minh Thi)

TẬP TRUNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG PHÙ HỢP

Nhằm chủ động phòng, chống hạn vụ hè thu, thời gian qua, nông dân huyện Tân Hồng và Hồng Ngự tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa với các mô hình tiêu biểu như: trồng rau muống lấy hạt, đậu phộng, mè... góp phần mang lại thu nhập khá.

Thời gian qua, UBND huyện Tân Hồng chủ động nhiều giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, chủ yếu từ lúa sang các loại hoa màu (đậu phộng, mè, khoai lang...) phù hợp với vùng đất gò cao nhằm giảm lượng nước tưới trong mùa nắng hạn. Trong đó, tập trung tại các xã: Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Tân Thành B...

Ông Phan Văn Dũng ngụ xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, cho biết: “Khu đất tôi sản xuất là vùng đất gò cao, nếu sản xuất lúa thì dễ dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đất trồng lúa sang trồng đậu phộng trong vụ hè thu năm 2024. Hiện tại, đậu phộng phát triển tốt, nhẹ công chăm sóc, nhất là tiết kiệm nguồn nước tưới”.

Với giá trị tăng cao gấp nhiều lần lúa, thời gian qua, nông dân huyện Hồng Ngự chọn canh tác 2 vụ lúa - 1 vụ mè để phát triển kinh tế và phòng, chống hạn. Mô hình góp phần tăng thêm giá trị kinh tế và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Ông Đặng Văn Nghiêm ngụ Ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, cho biết: “Những năm gần đây, gia đình tôi không làm lúa vụ hè thu mà chuyển sang trồng thêm rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi quyết định chuyển hết đất lúa sang trồng mè trong vụ hè thu và lợi nhuận mang lại từ cây trồng này cao hơn gấp nhiều lần so với canh tác lúa. Đồng thời, cây mè cũng nhẹ công chăm sóc hơn, giúp tôi tiết kiệm chi phí sản xuất. Chỉ cần năng suất mè đạt khoảng 1,5 tấn/ha trở lên cùng giá bán trên 35.000 đồng/kg là đảm bảo có lãi khoảng 5 triệu đồng/công”.

Nam Phong

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn