Hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ tại vùng dự kiến thả sếu

Cập nhật ngày: 01/11/2023 11:13:10

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231101111404DT2-5.mp3

 

ĐTO - Tại huyện Tam Nông, mô hình sản xuất lúa sinh thái kết hợp vùng thả sếu tự nhiên được UBND huyện và các ngành phối hợp thực hiện góp phần bảo tồn và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2023 - 2033. Qua đó nhằm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm lúa, gạo góp phần mang lại môi trường sống tự nhiên cho đàn sếu.

Mục đích của mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại vùng dự kiến thả sếu tự nhiên để nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo chuyển biến nhận thức cho nông dân và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo môi trường tốt và hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ trong vùng bảo tồn sếu đầu đỏ. Đồng Thời phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, từng bước gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho biết: “Theo kế hoạch trong giai đoạn 2023 - 2026, quy mô thực hiện thí điểm mô hình 200ha tại ô bao 25 (xã Phú Đức) và ô bao 43B (xã Tân Công Sính). Sau khi thực hiện mô hình đạt chứng nhận hữu cơ sẽ nhân rộng làm cơ sở cho việc xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ tập trung tại huyện Tam Nông. Trong quá trình sản xuất, tích hợp các công nghệ tiên tiến, đặc biệt chú trọng số hóa dữ liệu canh tác, tạo tiền đề cho công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp tại địa phương; xây dựng nhãn hiệu gạo của mô hình hoàn chỉnh; chứng nhận gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ từ năm thứ tư và xúc tiến thương mại sản phẩm”.

Vụ hè thu năm 2023, tại ô bao 25 (xã Phú Đức) và ô bao 43B (xã Tân Công Sính) nông dân xuống giống 40ha lúa đầu tiên sản xuất theo hướng hữu cơ theo kế hoạch đề ra. Hầu hết nông dân sử dụng phương pháp máy sạ cụm để xuống giống nên tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đầu tư và nhân công chăm sóc...

Sau khi thu hoạch lúa hè thu, hầu hết nông dân liên kết bán lúa cho doanh nghiệp đều có lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha. Sang vụ thu đông, có 20 hộ nông dân trong vùng Dự án đã mở rộng sản xuất lên trên 112ha, lúa đang giai đoạn làm đòng và trổ bông... Ông Nguyễn Văn Mẫn - nông dân xã Phú Đức canh tác 10ha, cho biết: “Mô hình này có ý nghĩa thiết thực. Vụ trước, tôi sạ cụm, vụ này tôi sạ lúa theo phương pháp kéo hàng, chi phí rẻ hơn và canh tác lúa theo hướng hữu cơ, xịt thuốc, bón phân đều làm hữu cơ nên tới thời điểm này, tôi không xịt thuốc rầy, thuốc sâu tạo điều kiện tốt cho môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân...”.

Huyện Tam Nông đang tích cực vận động người dân tiếp tục tham gia để mở rộng đạt 200ha vào vụ đông xuân tới và từng bước mở rộng lên 1.138ha vào những năm tiếp theo, để đảm bảo khu vực vùng đệm khu A4 đều canh tác theo hướng hữu cơ. Kỹ sư Nguyễn Thành Hưng - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, bày tỏ: “Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho nông dân chi phí vật tư đầu vào gồm: giống lúa, chi phí gieo sạ, sử dụng máy sạ cụm và hỗ trợ từ 30 - 50% lượng phân bón hữu cơ; cử cán bộ kỹ thuật, theo dõi, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ cho nông dân để đạt được mục đích giảm giá thành tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích”.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phú Đức, cho biết: “Về phía địa phương và các ngành chức năng sẽ tiếp tục chủ động hỗ trợ cho nông dân như: kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; vận động nông dân hiện chưa tham gia mô hình thấy lợi ích và mạnh dạn đăng ký tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”. Qua thực tế triển khai, thực hiện cho thấy, khi nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ tại vùng dự kiến thả sếu tự nhiên không chỉ giúp thay đổi tập quán canh tác lâu đời, đem lại lợi nhuận tốt mà còn góp phần bảo tồn môi trường sống cho sếu.

Trần Trọng Trung

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn