ASEAN + 3 phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 05/08/2016 11:08:09

Ngày 4/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM) và các hội nghị liên quan, sáng cùng ngày, tại thủ đô Vientiane (Lào), đã diễn ra Hội nghị tham vấn Bộ trưởng kinh tế ASEAN + 3 lần thứ 19 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thương mại, đầu tư tăng mạnh

Tại hội nghị, bộ trưởng 3 nước hài lòng trước quan hệ thương mại và đầu tư bền vững giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi không chắc chắn. Trong năm 2015, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN với 3 nước đối tác đạt 706,6 tỷ USD, tương đương hơn 31% tổng giá trị thương mại của ASEAN. Tổng vốn FDI từ 3 nước đối tác vào ASEAN đạt 31 tỷ USD trong năm 2015, chiếm 26% tổng vốn FDI đổ vào ASEAN.


Các bộ trưởng, thứ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN chụp ảnh lưu niệm

Các bộ trưởng đề nghị Hội đồng doanh nghiệp Đông Á (EABC) nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực; ghi nhận báo cáo về bước tiến trong các hoạt động và các khuyến nghị của EABC, bao gồm việc tiếp tục khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân hội nhập với kinh tế khu vực Đông Á và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Các bộ trưởng vui mừng ghi nhận sự hợp tác giữa EABC, trung tâm ASEAN - Trung Quốc, trung tâm ASEAN - Nhật Bản và trung tâm ASEAN - Hàn Quốc trong thúc đẩy đầu tư và thương mại ngày càng nhiều cho hợp tác ASEAN + 3.

AEC, bước ngoặt hội nhập kinh tế

Tại hội nghị tham vấn Bộ trưởng kinh tế ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 13, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Joo Hyungwan ca ngợi việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2015 là một bước ngoặt lớn trong việc hội nhập kinh tế của khu vực.

Trong khi đó, chiều 4/8, tại hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với đại diện Thương mại Mỹ (AEM - USTR), đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cũng đã hoan nghênh sự ra đời của AEC; khẳng định đây là một dấu mốc cho hội nhập kinh tế của khu vực.

Các bộ trưởng đánh giá cao hoạt động đầu tư và giao thương thương mại giữa Mỹ và ASEAN. Theo số liệu thống kê của ASEAN và Mỹ, kim ngạch trao đổi thương mại giữa ASEAN và Mỹ đã lên tới con số 212,8 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của ASEAN, trong khi thương mại dịch vụ giữa hai bên lên tới gần 40 tỷ USD. Năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào ASEAN đạt 12,2 tỷ USD, trở thành nguồn FDI lớn thứ 3 vào ASEAN.

Các bộ trưởng ghi nhận những tiến triển đã đạt được trong việc thực hiện kết nối ASEAN - Mỹ như một khuôn khổ chiến lược mới để điều phối việc tăng cường sự gắn kết giữa kinh tế Mỹ với khu vực ASEAN nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai bên. Đồng thời, bày tỏ sự hài lòng ghi nhận rằng các trung tâm kết nối tại Jakarta, cũng như các điểm kết nối chiến lược tại Singapore và Bangkok nhằm triển khai Sáng kiến kết nối Mỹ - ASEAN, sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 9 tới. Kết nối này bao gồm các nguồn tài nguyên và tri thức chuyên môn của Chính phủ Mỹ và ngành tư nhân nhằm tăng cường quan hệ kinh tế ASEAN - Mỹ, đồng thời giúp ASEAN trong việc đạt được các mục tiêu hội nhập kinh tế của AEC. Ngoài ra, còn là những tiến triển đạt được trong việc thực thi Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA) và Kế hoạch công tác năm 2015 về sáng kiến gắn kết kinh tế mở rộng (E3); hoàn tất nội dung của hợp tác ASEAN-Mỹ trong đầu tư quốc tế…

Nhân dịp này, các Bộ trưởng ASEAN đánh giá cao việc Mỹ tiếp tục ủng hộ ASEAN trong các lĩnh vực như cơ chế một cửa ASEAN; tạo thuận lợi cho thương mại, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), năng lượng, cũng như việc phát triển công nghệ thông tin và viễn thông thông qua dự án của USAID về kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư (ACTI) và trông đợi sự mở rộng của chương trình này nhằm hỗ trợ cho chương trình 2025 của ASEAN.

Đỗ Cao/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn