Syria đang lún sâu vào cuộc nội chiến đẫm máu

Cập nhật ngày: 18/03/2013 15:51:35

Lực lượng đối lập Syria ngày 18/3 có cuộc họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thành lập chính phủ lâm thời. Mặc dù các thành viên lực lượng đối lập khẳng định việc thành lập chính phủ lâm thời là lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc họp này sẽ đặt dấu chấm hết cho một giải pháp chính trị được quốc tế ủng hộ, đồng thời sẽ làm cho Syria tiến gần đến một cuộc nội chiến đẫm máu hơn.


Người biểu tình phản đối Tổng thống Syria al-Assad trong lễ mít tinh đánh dấu 2 năm cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad ở Aleppo (Ảnh: AP)

12 ứng cử viên tham gia tranh cử cho vị trí Thủ tướng lâm thời, bao gồm các chuyên gia kinh tế, các nhà doanh nghiệp cùng một cựu Bộ trưởng Nội các Syria.

Phát biểu trước báo giới, một thành viên của Liên minh Dân tộc đối lập cho biết, chức năng chính của chính phủ lâm thời là kiểm soát tình hình, cung cấp cho người dân Syria điện, nước, thông tin liên lạc cũng như đảm bảo an toàn cho người dân. Trụ sở của chính phủ lâm thời sẽ được đặt tại Syria.

Liên minh đối lập này khẳng định, một trong những ưu tiên hiện nay của chính phủ lâm thời đó là kêu gọi sự công nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Quyết định thành lập chính phủ lâm thời ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của chính phủ Syria. Một thành viên của chính phủ Syria cho rằng, lực lượng đối lập đang ủng hộ các lợi ích nước ngoài và cố gắng chia rẽ Syria từ trong nội bộ.

Mỹ và Liên Hợp Quốc đều bày tỏ không mặn mà lắm với ý tưởng thành lập chính phủ lâm thời tại khu vực do nhóm đối lập kiểm soát, vì cho rằng Syria hiện giờ nên tập trung vào quá trình chuyển giao chính trị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry luôn khẳng định ủng hộ kế hoạch thành lập một chính phủ chuyển giao, được sự chấp thuận của cả lực lượng đối lập và chính phủ của Tổng thống Assad. Ông John Kerry nêu rõ: “Những gì chúng tôi muốn làm đó là chấm dứt đổ máu. Chúng tôi muốn chính phủ của Tổng thống Assad và lực lượng đối lập ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới thành lập một chính phủ chuyển giao theo nghị định khung được đưa ra tại hội nghị Geneve vào năm 2012. Theo thỏa thuận này, hai bên cần phải thống nhất cho việc thành lập chính phủ chuyển giao. Đó là những gì chúng tôi đang thúc đẩy”.

Trong nội bộ Liên minh Dân tộc đối lập Syria cũng có những ý kiến không ủng hộ thành lập chính phủ lâm thời. Lãnh đạo Liên minh đối lập Syria Mouaz al-Khatib cho rằng, thành lập chính phủ lâm thời có thể gây chia rẽ nghiêm trọng tại Syria. Ông al-Khatib đề xuất đối thoại với các thành viên chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad nếu điều này giúp chấm dứt đổ máu tại Syria. Các nhóm phiến quân cực đoan Hồi giáo, đặc biệt là lực lượng Jabhat al-Nusra có liên hệ đến al-Qaeda đang càng ngày chiếm ưu thế tại Syria cũng bày tỏ không ủng hộ lực lượng Quân đội Syria tự do và chưa tuyên bố ý định ủng hộ chính phủ lâm thời.

Lực lượng đối lập tại Syria cho rằng, thành lập chính phủ lâm thời là một “công thức cho cuộc xung đột” kéo dài 2 năm qua tại Syria nhưng các chuyên gia phân tích chính trị cảnh báo, bằng việc thành lập một nội các lâm thời, lực lượng đối lập Syria sẽ đặt dấu chấm hết cho bất cứ khả năng đàm phán nào với chính phủ Syria, đồng thời là dấu chấm hết cho các giải pháp ngoại giao của cộng đồng quốc tế. Và nội chiến ở Syria sẽ là điều khó có thể tránh khỏi./.

VOV

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn