Trung Quốc: Bí thư Thành ủy Nam Kinh toan nhảy lầu trước khi bị bắt
Cập nhật ngày: 27/01/2015 07:52:44
Báo chí Trung Quốc đưa tin Bí thư Thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch đã định nhảy lầu tự tử khi biết ông sắp bị “sa lưới”. Có ý kiến cho rằng đối với các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc, tự tử là một quyết định có thể hiểu được.
Cựu Bí thư Thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch. (Ảnh: Telegraph)
Ông Dương Vệ Trạch (52 tuổi) từng là Bí thư Thành ủy Nam Kinh, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh Giang Tô trước khi bị “ngã ngựa” hồi đầu tháng này.
Báo Changjiang Times của Trung Quốc mới đây cho hay khi bị bắt chiều hôm 4/1, ông Dương đã lao ra cửa sổ văn phòng, toan nhảy lầu tự vẫn nhưng không thành.
Chiều hôm 4/1, ông Dương đang chủ trì cuộc họp ở thành ủy Nam Kinh thì nhận được điện thoại thông báo ông là mục tiêu điều tra chống tham nhũng. Ông Dương sau đó đã ngồi hút thuốc tại văn phòng trong khoảng 15 phút.
Đến khi ông Dương nhìn thấy các nhân viên điều tra đã tới trụ sở cơ quan, ngay lập tức ông lao về phía cửa sổ để tự tử nhưng đã bị ngăn lại.
Đến tối ngày 4/1, trang web của Ủy ban giám sát kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) đăng thông báo cho biết, Dương Vệ Trạch đang bị điều tra do bị tình nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ thường ám chỉ các quan chức tham nhũng.
Theo China News, ông Dương từng nắm giữ chức vụ Bí thư Thành ủy thành phố Vô Tích và Thị trưởng thành phố Tô Châu, đều thuộc tỉnh Giang Tô. Bắt đầu từ tháng 3/2011, ông đảm nhận vị trí Bí thư Thành ủy thành phố Nam Kinh.
Bình luận về trường hợp tự tử của ông Dương, báo China Daily nhận định xét về lợi ích kinh tế, quyết định này là hoàn toàn hợp lý bởi lợi ích nó mang lại lớn hơn cái giá phải trả.
“Cái chết của quan chức đang bị điều tra có thể bảo vệ được các tham quan khác, thường là những người có chức vụ cao hơn trong đường dây. Bởi khi kẻ bị tình nghi chết, các cuộc điều tra sẽ bị dừng lại”.
“Hơn nữa, khi chết đi mà không vướng vào tội danh nào, các quan chức này cũng có thể bảo vệ phần lớn tài sản cho gia đình”, China Daily cho hay.
Báo trên cũng nhận định rằng nhiều quan chức ở khu vực Nội Mông và tỉnh Giang Tô đã tự tử từ năm 2012 đến nay và có một bộ phận trong số đó có liên quan đến các cuộc điều tra tham nhũng.
Theo Thoa Phạm/Dân trí/BBC