Cấp cứu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở qua cơn nguy kịch

Cập nhật ngày: 19/01/2024 05:53:40

ĐTO - Lúc 17 giờ 31 phút ngày 5/1/2024, Khoa Cấp cứu Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp có tiếp nhận bệnh nhân với tình trạng tím tái toàn thân, mạch = 0; huyết áp = 0.


Ca trực tiếp đón và cấp cứu bệnh nhân

Trước đó anh T.T.T. (44 tuổi) ngụ xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, đang chơi thể thao cùng các bạn đồng nghiệp thì đột ngột ngất, lay gọi không đáp ứng, anh T. được bạn đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp với tình trạng: Bệnh mê, da toàn thân tím tái, ngưng tim, ngưng thở, phổi mất thông khí, bụng mềm, mạch: 00 l/p, HA: 00 mmHg.

Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã xử trí: Cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp; xoa bóp tim ngoài lồng ngực; đặt nội khí quản; sốc điện ngoài lồng ngực cấp cứu; thuốc: Adrenalin1mg/1ml, Nacl 9%0.

Sau khoảng 25 phút hồi sức tích cực, anh T. có tim trở lại, có phản xạ gồng kích thích, đồng tử 2 bên 3mm, PXAS (+), phổi có thông khí Mornitoring: Nhịp xoang TS 125 l/p; HA: 140/80mmHg; M: 125 l/p.

Khoảng 18 giờ 20 phút, anh T. được chuyển đến phòng Hồi sức tích cực bệnh viện để thở máy theo dõi và điều trị tiếp. Đến 19 giờ 45 phút, anh T. đã tỉnh, tiếp xúc được, bác sĩ cho rút nội khí quản và cho thở oxy túi. Đến 22 giờ 30 phút, anh T. được chuyển qua thở oxy mũi qua cannula 4 l/p.

Kết quả, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, phổi mất thông khí được hồi sức cấp cứu qua cơn nguy kịch.

BS CK1. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Khoa Cấp cứu Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, cho biết: Những trường hợp bệnh nhân vào viện cấp cứu như trên cũng không phải hiếm gặp. Do vậy, người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch để dự phòng hay điều trị lâu dài.

Ths. Vũ Thị Huế

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn