Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Cập nhật ngày: 25/11/2020 10:37:23

Hút thuốc lá (HTL) ở những nơi công cộng, tại các cơ quan, đơn vị... được coi là một hành động thiếu văn minh, bởi HTL không chỉ có hại cho bản thân người hút mà còn gây ra sự khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Khói thuốc lá là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nhiều nhất ở môi trường làm việc trong nhà. HTL kết hợp với các rủi ro nghề nghiệp khác có thể làm tăng mối nguy hiểm cho sức khỏe người lao động. Để giảm tỷ lệ HTL trong cộng đồng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã nỗ lực cùng các bộ, ban, ngành; tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động, chiến dịch phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nhiều cơ quan, đơn vị trên cả nước đã đưa quy định cấm HTL tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, với mục tiêu “Vì sức khỏe cộng đồng - Không hút thuốc lá tại nơi làm việc”.

Lợi ích của môi trường làm việc không khói thuốc

Môi trường làm việc không khói thuốc sẽ giúp cho người không HTL giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám, chữa bệnh do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

Môi trường làm việc không khói thuốc lá là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không HTL được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá, giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ HTL. Môi trường làm việc không khói thuốc góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; hình ảnh cơ quan được cải thiện. Đồng thời tạo một môi trường dễ chịu cho khách và những người tới thăm, thể hiện sự quan tâm tới sức khỏe, sự an toàn của nhân viên.

Xây dựng nơi làm việc không khói thuốc

Để thực hiện xây dựng nơi làm việc không khói thuốc, các cơ quan, đơn vị thực hiện các bước sau:

Xây dựng kế hoạch, quy chế, chính sách về môi trường làm việc không khói thuốc; phổ biến bằng các hình thức như: thông báo tại các cuộc họp giao ban lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị; gửi văn bản tới các phòng, ban; thông báo, niêm yết nội quy tại cổng bảo vệ, phòng khách hoặc những nơi đông người qua lại.

Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá; tổ chức phát động hưởng ứng xây dựng cơ quan không khói thuốc lá ở mỗi đơn vị; gắn biển báo “Cấm hút thuốc” trong phòng họp, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác trong cơ quan có quy định cấm HTL. Biển báo “Cấm hút thuốc” cần rõ ràng, được treo hoặc đặt ở những vị trí dễ quan sát.

Loại bỏ các vật dụng liên quan đến thuốc lá như gạt tàn, bật lửa khỏi phòng làm việc; đưa nội dung không HTL vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức, viên chức; giám sát, đánh giá việc thực thi quy định không hút thuốc nơi làm việc...

Xây dựng môi trường không khói thuốc, bảo vệ mọi người khỏi việc phơi nhiễm khói thuốc thụ động đang trở thành xu thế chung, được nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị hưởng ứng. Để thực thi hiệu quả môi trường không khói thuốc, điều quan trọng là có được sự quan tâm ủng hộ và chỉ đạo việc giám sát thường xuyên của lãnh đạo và chấp hành nghiêm túc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.

NGUYỄN HIỀN (tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn