Câu chuyện đi lao động xứ người

Cập nhật ngày: 13/09/2017 07:50:57

Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một chủ trương mang tầm quốc gia. Có cả những chương trình hợp tác liên chính phủ. Có cả những cơ quan đặc trách từ Trung ương đến địa phương. Đồng Tháp mình cũng đã và đang sôi nổi triển khai với những thành công bước đầu. Nhiều lớp thanh niên Đất Sen hồng đã mạnh dạn tạm biệt gia đình, những người thân thuộc, làng xóm và đã có mặt ở nhiều quốc gia. Các địa phương trong tỉnh thì ra sức thi đua với nhiều sáng kiến mang lại kết quả thiết thực. Nhưng không phải mọi chuyện đều suôn sẻ, mọi người đều thông suốt. Vẫn còn không ít trăn trở, vẫn còn những e dè, thậm chí là hoài nghi…


Học viên người Đồng Tháp tham gia học tiếng nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh để có cơ hội đi lao động ở nước ngoài (ảnh: Hữu Nghĩa)

Đúng là đi đâu thì cũng không bằng quê hương của mình. Ở đó là những người cùng một ngôn ngữ, cùng một nền văn hoá. Ở đó là mái ấm gia đình, là láng giềng hàng xóm, là con đường phía trước, con rạch phía sau, là mảnh ruộng, thửa vườn quen thuộc. Nay đi làm ở xứ người chắc là nhiều điều khác biệt lắm. Nào là, văn hoá, phong tục tập quán, nề nếp sinh hoạt khác nhau; nào là, tiếng nói chữ viết khác nhau; nào là, tính cách con người lại càng khác nhau. Lao động ở xứ người mà làm trong các nhà máy, nông trại với kỷ luật lao động và nền nếp quy củ thì không thể tự do, tuỳ tiện được. Đi làm ở nước ngoài với những người xa lạ, ngày một ngày hai có thể hiểu và hoà nhập với nhau chắc là không dễ. Rồi còn phải am hiểu chính sách, luật pháp của người ta để tránh bị rủi ro, điều tiếng. Chỉ chuyện ăn uống nhỏ thôi mà cũng có khi dẫn đến xung đột rồi. Mình ăn uống đôi khi thừa mứa, họ thì vét sạch đến hạt cơm cuối cùng... Và chắc còn nhiều điều khó khăn nữa ở một môi trường xa lạ.

Khó là khó nhưng vẫn hãy mạnh dạn và dũng cảm bước đi. Đất đai thì không nở ra nhưng con người thì không ngừng sinh sôi. Đời ông bà đất đai còn nhiều, đến đời cha mẹ thì ít lại đi, cho đến hôm nay thì teo tóp. Vậy là, manh mún lại càng manh mún. Vậy là, cái nghèo cái khó càng đeo đẳng. Không lẽ mình mãi chấp nhận như một định mệnh đã an bài? Không lẽ mình tự bằng lòng với cái số "Con sải ở chùa thì quét lá đa" sao? Không lẽ mình chịu nhìn miếng đất chia cho đời con, đời cháu mai này tiếp tục teo tóp nữa sao?

Khó là khó nhưng không khó bằng sự an phận trong mỗi người, mỗi gia đình. Đừng tiếp tục tự an ủi với mình rằng: "Trời sinh voi thì ắt sinh cỏ", rằng: "Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"! Ao nhà đã, đang và sẽ không thể cưu mang nổi nếu mọi người ai ai cũng trông chờ, ỷ lại! Quê hương còn nghèo thì cũng giống như nhà nghèo mà nhiều miệng ăn thì mỗi người phải biết tự bươn chải kiếm sống. Đâu có ai tốt bụng mà cứu giúp mình hoài được?!? Có người hết thở dài đổ thừa cho số phận, rồi quay sang trách móc nhà nước sao không lãnh đạo cho đất nước giàu có lên để người dân khỏi tha hương? Nghe thật là nặng lòng!

Được đi một quốc gia mà người mình đến lao động, nghe thấy nhiều điều đáng suy nghĩ. Ngày xưa khi đất nước của họ còn nghèo khó, ông cha của họ cũng từng tha hương lao động tứ xứ. Họ không đổ thừa cho phận số, họ không trách móc nhà nước, mà nghĩ rằng phải cùng với nhà nước làm cho đất nước của họ giàu có lên, cho con cháu họ đời sau không còn nghèo khổ nữa. Họ nghĩ rằng, muốn đất nước trở nên giàu có thì trước hết mỗi người ấy phải chăm chỉ, tự lực, cần kiệm để vượt qua cái nghèo. Và đến hôm nay, họ thật sự đã trở nên giàu có với cách suy nghĩ như vậy rồi.

Có nhiều mẫu chuyện thành công sau khi đi lao động ở nước ngoài. Có hai vợ chồng nhờ chăm chỉ, tích cóp được một ít vốn liếng, một ít kiến thức, một ít kỹ năng trong những ngày ở xứ người, trở về mở một xưởng nhỏ, thu hút hàng chục lao động và trở nên giàu có. "Ra đi làm thuê để trở về làm chủ" là vậy đó. Nhiều địa phương, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng nhờ cả làng đi lao động ở nước ngoài, thu nhập của vài trăm người đi lao động bằng cả vài ngàn người còn lại "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên cánh đồng.

Người mình tự hào về tính cần cù, chịu thương chịu khó. Người nước ngoài họ đánh giá lao động của mình thông minh, thạo việc rất nhanh, nhưng cũng than phiền tính kỷ luật chưa cao. Cũng công việc ấy, thao tác ấy nhưng sáng thì làm tốt, chiều đã lơi tay, đầu tuần thì khí thế lắm nhưng đến cuối tuần thì chểnh mảng dần. Đó là tác phong của người làm nông nghiệp bao đời. Giờ đứng bên dây chuyền sản xuất hiện đại, quy trình canh tác nghiêm ngặt thì không thể như thế được. Nhịp làm việc trong môi trường mới tuy có khó khăn hơn nhưng cũng là giúp rèn luyện tác phong làm việc mới, thích ứng với xu thế của thời đại mới.

Các đơn vị có trách nhiệm tổ chức đào tạo, huấn luyện, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cần phải chăm chút, chu đáo từng đường đi, nước bước và có trách nhiệm với người lao động. Hãy thấm nhuần sứ mạng là giúp người dân của mình khá giả hơn và quê hương mình thịnh vượng hơn.

Không ít nước phát triển trên thế giới ngày nay thành công nhờ đưa lao động đi làm việc với nước ngoài từ vài chục năm về trước. Thất bại hay thành công đều phụ thuộc vào ý chí và thái độ của mỗi người trước cuộc sống hiện tại và tương lai. Có người ra đi thất bại, bỏ cuộc nửa chừng, nhưng rất nhiều người ra đi đã thành công và tiến tới. Tại sao vậy? Câu trả lời chắc là đã quá rõ ràng!

Xích Lô

(Ngày 12/9/2017)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn