Câu chuyện “kết bè”

Cập nhật ngày: 27/06/2018 08:49:54

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018062806333328-6 Cau chuyen Ket Be-Xich Lo.mp3

Xứ mình sông nước mênh mông nên ít ai mà không biết hay chưa từng thấy cái “bè”. Thì đó, dọc theo những con sông lớn thấy nổi lên mấy ngôi nhà giữa dòng nước, phía trên thì có thể để ở, phía dưới có cái lồng nuôi cá thì đích thị đó là cái bè nuôi cá rồi. Nhớ lại hồi còn nhỏ, con nít hay lấy những cây chuối cắt khúc cho bằng nhau rồi đóng một cây tre xuyên qua để nối kết những thân chuối lại thành ra cái bè. Niềm vui tuổi thơ ngày ấy là được cùng nhau chông chênh đứng trên những chiếc bè chuối như vậy mà chống dọc, chống ngang. Vậy mới có người giải thích rằng “bè” là chỉ những thân cây được kết lại để nổi trên mặt nước.

Từ cái bè hữu hình đó, người ta mới ẩn dụ cho chữ “bè” trong từ “bạn bè” để chỉ sự kết thân của nhiều người lại với nhau, cũng như nhiều cái bè hợp với nhau thành làng bè. Có người còn nói, khi đối xử với nhau chân tình thì từ “bè” cũng có thể trở nên “bạn”, ngược lại đối xử với nhau bằng sự lợi dụng thì “bạn” cũng sẽ hóa ra “bè”, hổng biết có đúng không nữa! “Nói vòng nói vo” là để mở đầu cho câu chuyện hôm dự ra mắt “Hội quán Làng bè” xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự của mình - Hội quán thứ 53 của Đất Sen hồng. Có phóng viên trầm ngâm hỏi dự ra mắt Hội quán tới cái thứ 53 chắc bị nhàm, chắc không còn cảm xúc như những lần đầu nữa rồi? Không! Cảm xúc vẫn dâng trào vì được quay quần bên 57 thành viên Hội quán, những người đã bao năm gắn với sông nước và nghề nuôi cá bè. Cảm xúc vẫn đong đầy vì chợt nghĩ những con người ấy, những chiếc bè ấy bao năm nằm trên khúc sông này nhưng bây giờ mới thật sự “kết bè” lại với nhau để mà sống, để mà giữ gìn và phát triển một ngành nghề đã có thương hiệu gần xa.

Mà sao không “kết bè” lại với nhau được khi mọi người đã nhận ra cách làm ăn riêng rẻ là cội nguồn dẫn đến sự cạnh tranh dẫn đến mọi người kéo nhau cùng đi xuống. Mà sao không “kết bè” lại với nhau khi mà dòng nước sông Tiền đâu còn như ngày nào do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và tác động tiêu cực từ thượng nguồn. Mà sao không “kết bè” lại để chống chọi và thích ứng với thị trường luôn khắc nghiệt, với giá cả trồi sụt, lên xuống như đàn cá chao lượn trong những chiếc lồng.

Vậy đó, “bè” đã được kết lại, “lòng người” đã được “nối lại”, bây giờ là cùng nhau ngồi lại để bàn chuyện xóm, chuyện làng, chuyện bè trên, bè dưới, chuyện về con cá rô phi, cá điêu hồng, cá he, cá ba sa, cá lăng... Chuyện làm sao giảm chi phí mà tăng chất lượng để gần xa đều biết đến. Chuyện làm sao để môi trường chung quanh không bị ảnh hưởng để cá ít bị dịch bệnh và bà con dưới dòng nước cũng không bị tác động. Bàn luận với nhau, chia sẻ chân tình với nhau, cái gì chưa biết tường tận thì mời các chuyên gia, nhà khoa học đến để trao đổi, để học hỏi. Vậy là, vừa có sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm bao đời với tri thức của khoa học rồi còn gì?!?

Mà đâu chỉ là chuyện sản xuất, nuôi cá sao cho năng suất, chất lượng thôi đâu! Cái Làng bè của mình nếu được phủ lên nhiều màu sắc, hình ảnh, chuẩn bị thêm chỗ ăn, chỗ nghỉ cho tươm tất là có thể mần du lịch được rồi đó! Du lịch cộng đồng trên mặt đất chỗ khác đã có rồi thì giờ mình làm du lịch cộng đồng trên mặt nước! Vậy là, vừa sản xuất, mà vừa làm dịch vụ, lợi đầu này mà cũng lợi thêm đầu kia. Du khách bây giờ thích về đúng cái nơi tạo ra sản phẩm cung cấp cho họ ăn. Họ muốn trải nghiệm, họ muốn học làm nông dân, họ muốn quay về với thiên nhiên, về với những con người cần mẫn mang đến cho đời những hương vị thơm ngon. Hãy tưởng tượng cái cảnh du khách cầm trên tay thức ăn cho đàn cá ăn rồi bay lượn tung tóe chắc là họ mê mẫn lắm! Rồi câu rồi bắt, rồi chày rồi lưới, biết bao là điều thú vị đối với những người chưa từng biết đến một ngành nghề sông nước mấy mươi năm thăng trầm trên vùng biên giới này.

Mình nuôi con cá đã cực khổ, rồi đem con cá đến thị trường thì còn năm ngăn, bảy nắp. Trong khi đó, làm dịch vụ du lịch thì khách đến ăn tại chỗ, rồi còn đem về nào cá tươi, nào khô, nào mắm... Người ta nói đó là mình “xuất khẩu tại chỗ” là vậy! Có khách đến thì không chỉ Làng bè, mà xóm làng Long Thuận này sẽ rộn ràng hơn. Chơi dưới bè, rồi lên bờ thưởng ngoạn những cách đồng, những vườn tược, những làng nghề... Vậy là, bà con có thêm việc làm mưu sinh rồi! Nào xe chở khách, nào hàng quán, nào đan nào dệt... Đời sống bà con mình sẽ khấm khá, sẽ bớt nhọc nhằn hơn. Nông thôn rồi sẽ đổi thay...

Làm lãnh đạo địa phương là phải biết “nhìn thấy cơ hội, nắm bắt cơ hội và tự tạo ra cơ hội” cho làng quê mình, cho bà con mình. Thật mừng, bên cạnh định hướng chung, cấp ủy, chính quyền huyện mình đang tâm huyết chỉ đạo làm du lịch cho Làng bè xã Long Thuận gắn với thí điểm xây dựng mô hình “Làng mới” ngay trên mảnh đất này.

Vậy nghen, đừng ngồi chờ sung rụng, cũng như đừng chờ cá tôm tự nhiên mà chui vô chiếc lồng của mình! Và, cũng đừng đi học về rồi bàn, rồi bỏ đó, rồi “đánh trống, bỏ dùi”! “Kết bè” chớ hổng để “rả bè” đó nghen mọi người!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn