Đầu năm nghĩ về hai chữ "nhân hòa"

Cập nhật ngày: 31/01/2020 17:39:14

Trong bài “Ai mua may, tôi bán mai đây!” đăng TBKTSG Online hôm mùng Một Tết, tác giả có nhắc tới yếu tố nhân hòa trong tổng thể “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Đầu năm mới Canh Tý, thử bàn thêm câu chuyện “nhân hòa” một khi “thiên” và “địa” của thời nay đôi khi đã có những “bất hòa”.

Thường để đi đến thành công, ông bà mình hay nhắc đến 3 yếu tố "Thiên thời - địa lợi - nhân hoà". Trong 3 yếu tố đó, yếu tố nào là quyết định nhất? Vì sao nhiều đất nước không có "mưa thuận, gió hoà", "rừng vàng, biển bạc", nghĩa là “thiên không thời” mà “địa cũng không lợi” nhưng họ vẫn phát triển, vẫn giàu có. Trong 3 yếu tố kể trên, có lẽ, yếu tố mang tính quyết định, chi phối chính là "con người", là "nhân hoà" - người dân sống chan hòa, gia đình thuận hoà, xóm làng hài hoà, xã hội hoà hợp với nhau. Yếu tố "thiên thời", "địa lợi" thì dễ nhìn thấy, dễ kiểm đếm, còn yếu tố "nhân hoà" vô hình hơn, chỉ "đong đo" được bằng cảm xúc mà thôi.

Trong quá trình phát triển, dù muốn dù không, sẽ xuất hiện sự phân tầng, phân hoá trong xã hội. Có người vượt lên phía trước thì sẽ có người tụt lại phía sau. Có người thành công thì cũng có người thất bại. Có cộng đồng trở nên giàu có, thì sẽ có cộng đồng còn nhiều khó khăn. Một khi có phân tầng, phân hoá thì sẽ không tránh khỏi có sự so đo, đố kỵ, định kiến, hẹp hòi.

Ngày xưa, thì "Bán bà con xa, mua láng giềng gần", ngày nay, dù "nhà liền nhà" mà có khi lại "xa mặt, cách lòng". Xóm làng dòm ngó với nhau, người khác khá lên một chút thì thấy hình như mình nghèo đi một chút, mặc dù nhà mình vẫn vậy. Con cái nhà người ta học hành thành tài, tự nhiên thấy "tui tủi" cho con cái nhà mình. Nhà người ta xây cao lên thì cảm thấy như nhà mình thấp lại.
Mà đâu chỉ trong cuộc sống xóm làng, trong sản xuất, kinh doanh cũng vậy. Nhà này "trúng mùa, được giá" thì hớn hở, nhà kia bị dịch bệnh, mùa vụ thất bát thì nặng lòng, có khi còn cảm thấy bị tổn thương. Rồi nước nôi ngày càng khan hiếm dần, vậy mới có cảnh: "Ruộng trên đầy nước, ruộng dưới khô khan". Vậy là, "mích lòng" với nhau rồi, hơn thua nhau rồi, thậm chí là bóng gió trách móc nhau rồi. Mà đã hết đâu? Làm ăn thì thế nào cũng có lúc cạnh tranh với nhau, hết cạnh tranh mua vào đến cạnh tranh bán ra. Đã là cạnh tranh thì khó tránh khỏi cảnh "ăn thua" - "Tôi muốn thắng thì anh phải thua". Vậy là, có khi lại phải giấu nghề, giấu mối, giấu dịch, không hiếm trường hợp nói xấu nhau, chê bai nhau…

Vậy đó, trong một xóm làng đã vậy, thì trong một tổ chức cũng như vậy, mỗi địa phương cũng như vậy. Như một đội bóng mà ai cũng muốn mình là "ngôi sao", không thể, kể cả không muốn hoà hợp với người khác trên tinh thần đồng đội thì tất yếu sẽ thất bại. Mà bệnh "ngôi sao" đâu chỉ tồn tại trong thể thao mang tính đồng đội, mà còn hiện hữu trong nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Có người tự thấy "mình là trên hết, là người quyết định, muốn chứng tỏ quyền lực, cấp trên xem thường cấp dưới, người này xem thường người khác". Cán bộ, đảng viên xa rời quần chúng. Bác Hồ từng nhắc nhở: "Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng" là vì vậy.

"Hoà hợp" không phải là mảnh ghép hữu hình, là con số cộng cơ học, mà nó có sức mạnh vô hình, là cấp số nhân từ những cá nhân riêng lẻ. "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công", chân lý ấy đã làm nên thắng lợi của các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đi vào xây dựng đất nước thì đây đó, tinh thần đoàn kết, hợp tác không còn như xưa.
Ngày xưa, trong chiến tranh, cả dân tộc cùng một mục tiêu duy nhất. Ngày xưa còn cùng nghèo khó như nhau. Như vậy, mục tiêu là đồng nhất, năng lực thì không chênh lệch nhau nhiều. Nhưng ngày nay khác rồi, mỗi người mưu cầu lợi ích khác nhau, giàu nghèo khác nhau, dẫn đến suy nghĩ khác nhau, hành động cũng khác nhau. Lợi ích của người này có thể xung đột với lợi ích của người khác, mục tiêu của người này có thể mâu thuẫn với mục tiêu của người kia.

Xã hội càng phân tầng, phân hoá, thì "hoà hợp" với nhau sẽ khó, sống hài hoà với nhau còn khó hơn. Người giàu chơi với người giàu, người nghèo an phận, quanh quẩn cùng với cái nghèo. Người "tụt lại phía sau" dễ cảm thấy bị thua thiệt, tổn thương, chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực. Một khi mang trong lòng cảm xúc tiêu cực thì dễ nhìn đâu cũng chỉ thấy mặt tiêu cực.

Hơn lúc nào hết, khát vọng mỗi người cần hoà cùng khát vọng địa phương, khát vọng dân tộc. Trước khi nói đến khát vọng dân tộc, thì làm sao khơi gợi được khát vọng trong từng người, dù là bất kỳ giai tầng xã hội nào.

Muốn có khát vọng, phải tạo ra niềm tin trong mỗi người, niềm tin vào cuộc sống và niềm tin vào chính mình. Hàng ngày, có biết bao thông tin về những tiêu cực trong xã hội, nếu không có định hướng đúng và kịp thời sẽ làm mất niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Mặt trái của truyền thông mạng xã hội có thể gây ra hiệu ứng xã hội, làm suy giảm niềm tin. Một khi con người nhìn xã hội chỉ bằng con mắt đầy tiêu cực thì xã hội sẽ tiềm tàng nguy cơ gây ra bất ổn. Xã hội bất ổn sẽ làm cho con người chỉ biết lo cho mình, lo cho hôm nay, mà không còn quan tâm tới người khác, lo cho ngày mai. Khi ấy, con người sẽ rơi vào sự thờ ơ, vô cảm, thậm chí là bất cần: "Sống chết mặc bây"!

Câu chuyện "Nhân hoà" bắt đầu từ mỗi cộng đồng khu dân cư. Kích hoạt niềm tin để biến thành nguồn vốn xã hội phục vụ phát triển. Tạo ra nhiều mối quan hệ xã hội để giúp người đến với người, người nối kết với người.

Mối quan hệ xã hội tạo điều kiện để mỗi người biết vượt ra khỏi không gian chật hẹp của ngôi nhà mình, hoà mình vào không gian lớn hơn, "nối vòng tay lớn" hơn. Mỗi người hãy từ bỏ cuộc sống "lủi thủi" một mình, để trở thành "Đôi bên là kẻ thuộc quen. Trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau". Mỗi người phải biết gắn bó vận mệnh của mình với vận mệnh chung của xóm làng, địa phương, đất nước.
Thông điệp “Không để ai bị bỏ rơi lại phía sau trên con đường phát triển” không phải là để mọi người cùng giàu có như nhau, mà chính là tạo điều kiện để mọi người có cơ hội vươn lên, có thể cùng chung sống hoà hợp với nhau.

Muốn vậy mỗi người có trách nhiệm làm giảm đi sự phân tầng, bớt đi sự phân hoá trong xã hội, trước hết là trong cộng đồng của mình. Làm sao để “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người” như dạt dào những ca từ trong bài “Mùa Xuân đầu tiên” năm nào.
Ngày Xuân, người người hớn hở đến với nhau tràn ngập tình yêu thương. Mong rằng, 365 ngày, mỗi ngày đều là ngày Xuân, và người vẫn hớn hở đến với nhau, mọi người sống chan hoà với nhau, mỗi cộng đồng trở thành cộng đồng hài hoà, hoà hợp. Đó chính là "Nhân hoà"!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn