Nông dân lo lắng vì giá lúa thấp, khó tiêu thụ

Cập nhật ngày: 19/03/2015 07:57:54

Sau gần 3 tuần triển khai mua tạm trữ, giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL chỉ nhích lên nhẹ sau 2 tuần, nhưng rồi dao động ở mức thấp. Đặc biệt mấy ngày qua giá lúa đã quay đầu giảm, thương lái thu mua rất chậm khiến nông dân gặp khó khăn. Chưa hết, lúa bán ra nông dân bị “cò” ăn tiền “đầu” từ 10 - 30 đồng/kg.

Rớt giá và khó bán!

Tại ĐBSCL, nhiều địa phương đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, nhu cầu bán lúa của nông dân rất lớn để trang trải nhiều chi phí và chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, việc thu mua của thương lái rất nhỏ giọt, khiến nông dân rơi vào thế chẳng đặng đừng là phơi khô tạm trữ tại nhà. Dọc tuyến quốc lộ 53 từ Vĩnh Long đi Trà Vinh nhiều nông dân thu hoạch lúa mang về chất từ nhà ra tới lộ.

Ông Nguyễn Văn Tài, ở thị trấn Càng Long, huyện Càng Long (Trà Vinh) phản ánh: “Tôi vừa thu hoạch hơn 20 tấn lúa IR50404, giá giảm còn 4.200 đồng/kg, nhưng kêu bán, thương lái không chịu mua, đành phải phơi khô đem vô nhà chất. Hàng loạt nông dân ở đây cũng chung cảnh khó, vì giá lúa giảm mà không bán được nên chẳng có tiền trả nợ cho các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu”.

Cùng tâm trạng trên, ông Dương Văn Hai, ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh) lo lắng: “Cuối tuần này sẽ vào vụ thu hoạch hàng ngàn hécta lúa đông xuân, nhưng không thấy thương lái hay “cò” đến tìm mua. Hiện giá lúa giảm từ 50 - 200 đồng/kg…”. Nông dân Nguyễn Văn Thanh, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: “Cách đây khoảng 10 ngày, thương lái đến đặt cọc lúa chất lượng cao giá 4.750 đồng/kg lúa tươi, nhưng nay kêu bán giá 4.500 đồng/kg không mua. Còn lúa thơm Jasmines lúc mới mua tạm trữ giá 4.800 - 5.100 đồng/kg lúa tươi, nay giảm còn 4.400 đồng/kg”.


Lượng lúa nguyên liệu còn rất nhiều trong dân, chưa tiêu thụ được.

Vì sao thương lái đột ngột… ngưng mua?

Tình trạng thương lái đột ngột ngưng thu mua lúa, khiến nông dân lo lắng, trong khi nhiều doanh nghiệp nói rằng vẫn duy trì mức độ thu mua tạm trữ. Ông Trần Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ), cho biết: “Hiện tại chúng tôi vẫn thực hiện việc mua tạm trữ tại 9 điểm ở Hậu Giang và Cần Thơ, mỗi ngày mua 1.500 - 2.000 tấn, trong đó có 400 tấn lúa, phần còn lại là gạo. Hiện giá gạo IR50404 ở mức 6.380 - 6.420 đồng/kg; lúa IR50404 có giá 4.400 đồng/kg (ướt), lúa chất lượng cao giá 4.700 đồng/kg. Nhưng vài ngày qua, nguồn cung đột ngột giảm mạnh do thương lái ít đưa hàng đến bán cho nhà máy”.

Tại 2 cầu tàu Trạm thu mua của Kho lương thực Cái Răng (thuộc Công ty Lương thực Sông Hậu), chưa đến 10 ghe gạo của thương lái đến bán. Ông Phạm Minh So, trưởng trạm này cho biết: “Hiện mỗi ngày thu mua khoảng 200 tấn gạo, chủ yếu gạo IR50404 với giá 6.400 đồng/kg, gạo chất lượng cao giá 7.100 đồng/kg. Những ngày qua, chúng tôi đã thu mua được 2.800 tấn gạo, trong tổng số chỉ tiêu 3.000 tấn”. Việc thương lái ngưng thu mua lúa của nông dân, ông Phạm Minh So nói: “Tình trạng này có thật và diễn ra gần 1 tuần nay. Nguyên nhân do họ đã thu mua quá nhiều lúa về chứa trong kho nên bây giờ hết vốn, phải tập trung tiêu thụ”.

Theo nhiều thương lái, việc ngưng mua để tập trung bán lúa là có thật. Thương lái Nguyễn Văn Thành (ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) phân trần: “Hiện mỗi ngày tôi chở ra đây bán 2 chuyến (hơn 70 tấn). Lượng lúa tôi còn gửi ở nhà máy hơn 500 tấn, phải xay ra gạo nguyên liệu, chở đi bán cả tuần nữa mới hết”. Trong khi các doanh nghiệp thu mua tạm trữ không sôi động như mấy năm trước, giá vẫn ở mức thấp nên nhiều thương lái có tâm lý chờ giá. Từ đó dẫn đến việc ùn ứ như hiện nay.

 Bất lực nhìn “cò” ăn tiền của nông dân?  

Hiện các doanh nghiệp đa phần thu mua gạo nguyên liệu từ thương lái, lượng lúa mua trực tiếp trong dân rất ít. Thương lái phải nhờ “cò” lúa nên lực lượng này đã phát triển rộng khắp ở ĐBSCL. Lão nông Lê Văn Lam, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) nhìn nhận: “Ở đây hầu như nhà nào cũng bán lúa qua “cò”. Tôi vừa bán 100 tấn lúa thơm đặc sản Nàng Hoa với giá 5.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi ký lúa “cò” ăn của thương lái 20 - 30 đồng thì số tiền lên đến 2 - 3 triệu đồng. Đúng ra số tiền này nông dân phải được hưởng khi bán lúa trực tiếp cho thương lái. Nhưng bây giờ thương lái không chịu đi nữa mà ngồi một chỗ để cho “cò” làm”.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều thương lái thu mua lúa về xay xát thành gạo nguyên liệu bán lại cho doanh nghiệp lau bóng xuất khẩu khẳng định: “Gần như 90% lượng lúa thu mua đều phải qua “cò”; 10% còn lại là do ở “đồng nhà” tại ấp, xã mình ở, trong dòng họ bà con nên thương lái không tham gia”.

Thương lái Trần Văn Thắng ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) nói: “Làm nghề này không nhờ “cò” thì khó lắm. Vì “cò” có lợi thế như thổ địa vậy. Nếu “cò” gọi điện cho lái đến thỏa thuận giá cả và đặt cọc thì phí cho “cò” là 10.000 đồng/tấn; còn nếu “cò” trực tiếp dắt lái đến đồng xem lúa, thỏa thuận và làm chứng việc đặt cọc thì phí là 20 - 30 đồng/kg, tùy số lượng”. Theo tìm hiểu, khi vào vụ thu hoạch rộ, mỗi ngày một người làm “cò” cung ứng cho thương lái 100 - 200 tấn lúa, tiền công mỗi tấn 20.000 đồng, giúp các “cò” sống khỏe.

Nghiên cứu của các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ cho thấy: Có 4% lượng lúa mà nông dân sản xuất ra được các nhà máy xay xát thu mua; 3% sản lượng lúa được bán trực tiếp từ nông dân đến các nhà máy lau bóng gạo xuất khẩu. Trong khi thương lái là tác nhân trung tâm trong chuỗi giá trị bởi thu mua tới 93% lượng lúa. Tuy nhiên quan hệ của các thương lái với nông dân lỏng lẻo, nhất là việc mua bán thông qua “cò lúa” tại địa phương chiếm 55%...

Theo BÌNH ĐẠI/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn