“Di sản sống” của Đờn ca tài tử Nam bộ

Cập nhật ngày: 02/12/2020 10:44:20

Hơn cả “phù thủy” âm thanh. Ông không chỉ dồn nén vào trong tiếng đờn chân chất, mộc mạc những cung bậc bổng – trầm kiêu sa, đài các..., mà còn tự tay “luyện thanh” mới cho nhiều nhạc cụ xưa “thay da đổi thịt”.


Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

“Phù thủy” âm thanh

“Tôi học đờn từ năm 5 tuổi như sự thôi thúc không cưỡng lại được...”- trong căn nhà yên tĩnh nằm bên rạch Cái Sâu (TP.Cao Lãnh) do lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vận động doanh nghiệp cùng gia đình chung tay xây dựng, nhạc sư Vĩnh Bảo (Nguyễn Vĩnh Bảo), đã hấp dẫn tôi ngay từ lời mở đầu. Đã bước qua tuổi 103 (sinh năm 1918), tuy sức khỏe bắt đầu có “vấn đề” nhưng ông vẫn mẫn tiệp. Cả thế giới xưa hừng hực hiện về... Buổi đầu đến với âm nhạc của ông chỉ là những phút rón rén chạm vội bàn tay vào những sợi dây đờn của thân phụ treo trên vách nhà. Bởi cha ông – một Đông y sĩ sành nhiều loại đờn: tranh, cò, gáo... không thích con cái mê đờn vì sợ chểnh mảng chuyện học hành. Nhưng ông đâu biết rằng những cuộc trao đổi, diễn tấu của nhiều thầy tuồng, thầy đờn tìm đến nhà hàn huyên với mình như hạt giống quý, gieo mầm vào tâm hồn, nuôi dưỡng và thôi thúc người con trai thứ 9 trong nhà gắn chặt cuộc đời với thế giới ngũ cung với “Hò, xự, xang, xê, cống”. Để rồi năm lên 10, cậu bé Vĩnh Bảo của làng Mỹ Trà, Cao Lãnh xưa không chỉ thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như đờn đoản, đờn kìm, đờn gáo... mà còn bén duyên với nhiều nhạc cụ phương Tây như: Mandolin, Piano, Violon... Đặc biệt với tinh thần cầu tiến, trong suốt hành trình rong ruổi âm nhạc, ông đã học hơn 200 thầy theo hình thức “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... cộng với năng khiếu thiên bẩm, ông đã tạo dựng cho mình lối đi riêng. Vì vậy khi mới 20 tuổi (năm 1938) ông đã được hãng dĩa BEKA mời cùng hòa tấu cho cô Ba Thiệt (chị của danh ca cô Năm Cần Thơ). Từ đó, uy tín ông ngày một vang vội...

Lần đầu tiên, tôi được trực tiếp nghe tiếng đờn của nhạc sư là lúc ông “hồi hương” ở tuổi ngoài 100. Và cũng như nhiều người, tôi đã không khỏi nao lòng khi tận mắt thấy bàn tay hằn sâu vết thời gian thế kỷ đã nhấn, đã vuốt, rồi mổ... lên sợi tơ mỏng mảnh tạo ra thanh âm đầy nội lực và ma thuật. Dường như những trải nghiệm từ hành trình đến nhiều quốc gia trên thế giới học tập, nghiên cứu âm nhạc kết hợp với những sự nhạy cảm của chất nghệ sĩ đã ngấm vào từng hơi thở... đã hun đúc ông thành “phù thủy” âm thanh. Những ngón tay tưởng chừng như mệt nhoài theo năm tháng, bỗng trở nên lả lơi lên những cung bậc bổng – trầm... tạo ra tiếng đàn chân chất, mộc mạc nhưng lại toát lên nét kiêu sa, đài các... đưa người nghe đến thế giới sâu lắng nhất để buồn, để vui, để cho đi và nhận lại... Chính vì thế mà cả người thuộc hàng “quái kiệt” âm nhạc như GS.TS Trần Quang Hải (con trai GS.TS Trần Văn Khê) cũng không tiếc lời tôn vinh tiếng đờn của ông sư là “độc nhất vô nhị”: “Tôi biết đờn tranh và có dịp nghe nhiều thế hệ biểu diễn, nhưng chưa nghe ai có ngón đờn sang trọng, đài các như ngón đờn của nhạc sư Vĩnh Bảo”.

“Luyện thanh” mới cho đờn xưa

Tuy nhiên, điều ông khiến giới đờn ca dân tộc và nghiên cứu âm nhạc trên thế giới suy tôn “Di sản sống” của Đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) chính là khả năng “luyện thanh” cho nhiều loại đờn xưa từng được xem như “khung vàng, thước ngọc” cất giọng mới da diết, hút hồn hơn. Đình đám nhất là kỳ công biến cây đờn tranh 16 dây sau nhiều thế kỷ du nhập đã nói thứ tiếng Việt mới. “Nói đúng hơn là đáp ứng được sự hòa quyện thanh tao giữa âm nhạc với ngữ điệu phương ngôn và sự tinh tế trong kết hợp đa dạng và phong phú giữa điệu – hơi – rung - nhấn - mổ trên các cung bậc trong từng bài bản cổ nhạc”- ông 5 Suôl – một “thầy đờn” trứ danh ở An Giang nhận xét. Đặc biệt hơn, ông vừa là người sáng tạo ý tưởng, vừa trực tiếp thực hiện và biểu diễn. Sau thời gian gắn bó, bằng sự tinh tế của mình, ông nhận ra đờn tranh 16 dây có nhiều nhược điểm. “Âm lượng nhỏ và ngân không vang, nó còn gây khó cho người đờn...” - nhạc sư nhấn mạnh thêm – “Mặt đờn nhỏ và cong nhiều khiến đôi tay khó thể hiện hết sự uyển chuyển trong nhấn nhá... Nhưng quan trọng hơn là do thiếu điểm cố định nên người đờn thường xuyên dừng cuộc chơi để lên dây theo từng bản”. Từ cảm nhận đó, ông lên kế hoạch cải tiến... “Trong dịp “khám phá” cây đàn Piano, đầu tôi hé ra hướng đi”- ông chia sẻ. Tận dụng lợi thế thông thạo nhiều ngoại ngữ (ông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, Nhật...) ông tham khảo nhiều nguồn tài liệu... rồi tự bỏ tiền túi ra mua gỗ về tự tay thực nghiệm. Sau 4 năm ròng rã cưa, bào, đục, cắt.... thất bại nối tiếp thất bại. Và đã không ít lần chuyện “cơm áo gạo tiền” suýt đo ván, nhưng chính động lực muốn có nhạc cụ diễn đạt tốt hơn nữa sự tinh tế và sâu sắc âm nhạc truyền thống Việt, đã giữ chân ông lại. Năm 1955, nhạc sư cho ra đời cây đàn tranh 17 dây. Chính sự hiểu biết tinh tường từng bộ phận trong cây đờn và sự tinh tế trong phối hợp các bộ phận bổ sung cho nhau của người hội tụ kỹ năng “4 trong 1” (rành nghề mộc, am tường kiến thức vật lý, đặc tính gỗ và kỹ năng thẩm âm tinh tế) đã giúp ông “lột xác”cây đàn cổ. Không chỉ khác lạ ở chỗ thêm 1 dây (xàng) mà cách sắp xếp dây cũng biến tấu khác lạ theo khả năng thẩm âm riêng của ông... Mặt đàn lài hơn, kích thước thân và độ dầy mỏng giữa đáy đàn và mặt đàn cũng có sự thay đổi. “Đáy đờn là bộ phận phản xạ âm thanh, nếu dầy hơn mặt đờn sẽ cho ra âm thanh sáng chói và trong suốt. Nhưng đó không phải là mặt phẳng đồng dạng. Có khi phải cho mặt và đáy đờn dầy ở giữa rồi mỏng ra 2 bìa, hoặc ngược lại...”- ông đã làm tôi choáng với kiến thức sóng âm của từng đặc tính gỗ - “Trước đây, đóng đờn bằng cây ngô đồng, cây tung, nhưng qua nghiên cứu, thấy gỗ Kiri của Nhật vừa có sớ vân rất đẹp, vừa có tính năng phát huy âm lượng”. Ông cũng thay thế chất liệu làm “con nhạn” (giữ dây đờn) từ ngà/xương động vật, vừa khó tìm, vừa hãm thanh sang làm bằng danh mộc, vừa bền vừa có tác dụng tăng âm lượng. Mặt khác, việc cải tiến nhạn và trục vững vàng của ông còn giúp cho người đờn không cần phải lên dây lại khi chuyển từ bản này sang bản khác như cây đờn 16 dây... Những thay đổi này đã giúp cho đờn tranh 17 dây có âm lượng vang hơn, âm sắc mượt mà ngọt ngào và đa dạng hơn so với “tiền thân”. Tuy nhiên khi mới ra đời, đứa con tinh thần của ông đã bị không ít búa rìu dư luận. Có lẽ đã quá quen mặt với cái cũ, nên nhiều người xem cây đàn 17 dây của ông như “khuyết tật” của ngón thứ 6 trong bàn tay con người. Tuy nhiên, thực tế sử dụng và cách ứng xử tinh tế với dư luận của ông không chỉ dần dần chinh phục được dư luận, mà còn được giới nghiên cứu đánh giá rất cao. Trong công trình nghiên cứu được công bố tại nhiều hội thảo và phương tiện truyền thông quốc tế, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong (ĐH Washinhton) khẳng định: tần số dao động rộng, độ trong, độ dài âm thanh của cây đàn tranh 17 dây tốt hơn so với nhiều loại đàn có điểm tương đồng là Koto (Nhật), Kayageum (Hàn Quốc) và Guzheng (Trung Quốc). Sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê – cây đại thụ của âm nhạc dân tộc và thế giới - đã xem cải tiến này “làm rạng danh nghề chế nhạc khí Việt Nam”. Sau đó, nhạc sư còn cải tiến đàn tranh lên 19 rồi 21 dây. Trước đó, ở tuổi trăng tròn, ông đã làm chấn động giới thầy đờn trong nước khi sáng chế ra dây Tỳ và dây Xề cho cây đàn Gáo được sử dụng hiện nay.


Dù đã bước qua tuổi 103 nhưng Nhạc sư vẫn mẫn tiệp

Chắp cánh cho âm nhạc miệt vườn ra biển lớn

Ngày 5/12/2013, tại Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ lần 8 tại Baku (Cộng hòa Azerbaijan) UNESCO chính thức công nhận nghệ thuật ĐCTTNB là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này cho thấy, thế giới đánh giá rất cao loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng Nam bộ, mà nhạc sư là một trong những người bền bỉ đặt nền. Ngoài vai trò đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ với tư cách là Trưởng Ban giáo sư âm nhạc cổ truyền miền Nam tại Trường Quốc gia âm nhạc (Sài Gòn), hơn nửa thế kỷ qua, ông miệt mài tận dụng mọi cơ hội “du thuyết” để đưa ĐCTTNB ra nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1971, khi được Đại học Southern Illinois (Mỹ) mời sang dạy nhạc cổ truyền Việt Nam với tư cách là giáo sư biệt thỉnh, ông đã tận dụng cơ hội để giới thiệu tinh hoa âm nhạc dân tộc ra thế giới. Và cũng với tâm thức đó, năm 1972, ông tiếp tục nhận lời mời của “Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương” và “Trung tâm Âm thanh học” sang Pháp thuyết trình, trao đổi về ĐCTTNB. Không chỉ trực tiếp biểu diễn nghệ thuật đóng đờn theo phương thức ông sáng tạo.., nhạc sư còn tận dụng thời cơ để cùng GS.TS Trần Văn Khê thực hiện đĩa hát về nghệ thuật ĐCTTNB với hãng đĩa OCARA và đĩa Viet Nam II... Những hoạt động này cùng với hành trình diễn thuyết, biểu diễn tại nhiều quốc gia: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapo... cũng như với khả năng “nói tiếng Anh như nhà khoa học và nói tiếng Pháp như nhà thơ”, ông đã tận tình dạy và hướng dẫn người nước ngoài học đàn tranh và hoàn thành nhiều luận án tiến sĩ về ĐCTTNB để bạn bè hiểu biết về âm nhạc đặc trưng Nam bộ... Ông được xem như người đặt nền móng vững chắc để hơn gần nửa thế kỷ sau UNESCO công nhận ĐCTTNB là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...

Vì vậy, GS.TS Trần Văn Khê không tiếc lời khen tặng: “Chưa có nhạc sư nào có nhiều học trò trong và ngoài nước bằng ông. Cũng chưa có nhạc sư nào vừa có tài đờn hay lại vừa đóng đàn khéo như ông”.

“Ông là “Di sản sống”- xin mượn lời nhà báo Olivier (Pháp) để khép lại bài viết như sự tự hào về vị “hậu tổ” của ĐCTTNB.

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn