Dây trầu của ngoại

Cập nhật ngày: 24/10/2012 06:26:28

Lần này ghé nhà ngoại, bỗng thấy bên hông nhà còn một dây trầu, xanh mướt lá. Dây trầu không leo lên thân cao như hồi bà ngoại còn sống, mà leo đỡ lên hàng rào bằng tre cậu Út làm tạm. Vậy mà, trầu ngó bộ vẫn tự hào vươn ngọn ra đón nắng gió, tự hào ngẩng mặt vui cười với cây mai, cây mận ở xung quanh mình. Trầu chẳng hề thấy mình lạc loài, xa cách giữa thời buổi chẳng còn ai nhai trầu nữa.

Cậu Út khẳng định, đây là giống trầu cậu giữ lại từ cái vườn trầu của bà ngoại hồi xưa lắc đó. Hỏi cậu giữ lại chi vậy? Cậu nói: thì để cho bây nhớ một chút kỷ niệm gì của ngoại bây chớ.

Cậu Út nói nghe thương. Mà cái từ kỷ niệm cậu dùng, nghe thiệt thà đặc biệt y như cách cậu đang chăm bẳm cái dây trầu lạc loài kia. Cậu làm đứa cháu là tôi bỗng thấy mình trở lại thời nhỏ nhít, lúi húi theo chân bà ngoại ra vườn trầu hái lá, rồi tưới tẩm, đắp gốc, cột mấy cái thân trầu yếu lên thân cau. Đứa cháu đứng trân trân chỗ gốc trầu lạc, bật ra hai tiếng: Ngoại ơi.

Nhẩm đến ngón tay, bà ngoại mất cũng hơn 10 năm rồi. Vài năm sau khi bà mất, cậu phá hết vườn trầu, đốn hết mấy thân cau để trồng vào đó mấy thứ cây “có lợi về kinh tế” hơn. May là, cái thứ có tên kỷ niệm đã giữ tay cậu lại, để cậu nâng niu đúng một dây trầu cho đời sau. Để con cháu có về vườn ngoại, vẫn thấy ngoại còn đâu đó, dù sự tồn tại kỷ niệm về ngoại trong mỗi đứa cháu, không hẳn ở chuyện ngoại ăn trầu.

Nhớ vườn trầu hồi xưa của ngoại, từng nọc trầu xanh tốt lắm. Nọc trầu chính là những thân cau vươn cao vút lên trời. Cậu Út vì vậy đã biết leo bẻ cau từ hồi nhỏ xíu. Bẻ cau riết, nên cậu có tài nhìn trái cau là biết đặc ruột hay rỗng ruột, cầm buồng cau là cậu biết trái nào ngon, trái nào nên ăn trước, trái nào ăn sau. Hồi đó, vườn trầu này cung cấp lá trầu cho hầu hết những bà cụ ăn trầu ở xứ của ngoại. Tôi 6 tuổi, đã biết chọn lá trầu nào ngon cho ngoại mỗi khi được ngoại sai đi hái lá trầu. Mùa hè, bà cháu quấn quýt nhau bên gốc trầu vườn cau, bà hái lá, cháu buộc dây lạc thành từng bó, sắp lên chiếc xề tre nhỏ để mai mang ra chợ bán. Bà vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa dạy cháu cách têm trầu cánh rồng cánh phượng. Bà làm cháu cứ tưởng mình là cô Tấm, nên ráng têm miếng trầu cho thật đẹp. Dưới khung cảnh cổ tích ấy, ngoại lại kể tích xưa như Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ... rồi những câu chuyện cổ tích và đọc cho tôi nghe nhiều câu ca dao, tục ngữ. Vừa kể vừa sẵn chỉ cho cháu những chuyện nhân nghĩa lễ trí, chỉ cho cháu phận gái thuyền quyên trong nhờ đục chịu, rồi gì mà “làm thân con gái chớ ăn trầu người”.

Hồi xưa, hễ đi đâu theo ngoại, tôi đều giành xách “bộ đồ nghề” ăn trầu của ngoại. Đó là cái giỏ mây có nắp đậy, trong đó xếp sẵn mấy lá trầu ngon, mấy trái cau chưa bổ, bộ ống ngoái trầu bằng đồng, chiếc dao xếp nhỏ xíu, chiếc khăn để ngoại ăn xong thì lau miệng. Cái bộ đồ nghề đó, với ngoại thiệt quý giá, với tôi là niềm tự hào vì được ngoại tin cẩn, thương yêu.

Đời người vậy đó, đi quanh quẩn hóa ra cũng không rời được mấy thứ kỷ niệm cũ kỹ. Nên vậy là, giờ chỉ biết thầm cảm ơn ông cậu hiền lành chân quê, biết giữ cho con cháu những điều giản dị, để khi quay về còn biết thương, biết nhớ.

Nhã Linh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn