Đình Tân Phước đủ tiêu chí di tích lịch sử cấp tỉnh

Cập nhật ngày: 15/03/2024 21:55:54

ĐTO - Bảo tàng tỉnh vừa phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lai Vung khảo sát, tham mưu lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Đình Tân Phước (tọa lạc ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung). Qua tham chiếu các tiêu chí của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, thì Đình Tân Phước đủ tiêu chí di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân).

Theo ghi chép của các vị tiền bối trong ban tế tự, Đình Tân Phước được khởi tạo vào tháng 11 năm Kỷ Dậu (1849), nhằm triều vua Tự Đức năm thứ 2. Ban đầu, Đình Tân Phước là nơi thực hiện các nghi thức thờ cúng thần Thành hoàng bổn cảnh. Nơi giải quyết các vụ tố tụng trong thôn xóm và điều hành công vụ của chức việc trong làng, đồng thời cũng là nơi vui chơi giải trí của người dân trong thôn trong các lệ cúng Đình. Các vị tiền hiền có công với làng còn được thờ tại đình đến nay có thể kể đến như: Trùm cả Lê Văn Hương; Trùm cả, nguyên Phó tổng An Thới Lê Văn Sử; Hương cả Nguyễn Văn Cang… Các vị hậu hiền có công xây dựng nên ngôi đình thần có thể kể đến như: Thôn trưởng Phan Văn Đông, Bang biện Phó tổng An Thới Nguyễn Văn Bảo, Xã trưởng Phan Văn Lũy, Xã trưởng Đào Duy Khương, Hương chánh Trần Văn Khả.


Đình Tân Phước tọa lạc ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung

Ngày 29 tháng 11 âm lịch năm Nhâm Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (năm 1853), thôn Tân Phước (bao gồm Tân Phước ngày nay) được triều đình ban cấp sắc thần phong Thành hoàng bốn cảnh. Sắc thần lúc trước được lưu giữ tại nhà ông Phạm Văn Hiển ở ấp Tân Thạnh. Đến năm 1975 mới chuyển sắc về nhà ông Hương cả Hồ Văn Tùng. Đến năm 2002, chuyển về thờ tại nhà ông Cao Văn Giáo. Đến năm 2018 lại chuyển cho ông trưởng ban tế tự Hồ Văn Hối thờ đến nay. Cũng theo các bậc tiền bối kể lại, ngày trước tại vị trí trụ sở UBND xã cũ có ngôi miếu thờ ông Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn, nguyên giữ chức Tổng đốc An Hà triều vua Tự Đức. Miếu được bà Đốc phủ Phải (tên thật Nguyễn Thị Loan) đứng ra xây dựng. Bà phủ Phải là con gái bà Nguyễn Thị Trinh, bà Trinh là con gái ông Nguyễn Công Nhàn. Do ngôi miễu thờ được xây cất tại địa điểm trên nên con rạch phía trước miễu được gọi tên là rạch Miễu.

Một thời gian sau, ngôi miễu thờ xuống cấp, dân làng bèn dời ngôi miễu ấy về chỗ rạch Bà Chủ Hồ để cất thành ngôi đình, vẫn thờ ông Nguyễn Công Nhàn gọi là đình Hòa Phước (vì đình thuộc làng Hòa Phước). Ngày 6/3/1891, chánh quyền Pháp cho giải thể làng Hòa Phước nhập vào làng Tân Phước nên đình Hòa Phước phải tháo dỡ để nhập vào chung với đình Tân Phước. Từ đó, ông Nguyễn Công Nhàn được phối thờ tại Đình Tân Phước, thành vị phúc thần của làng. Bên cạnh việc phụng tự Thành hoàng bổn cảnh, tôn thần Nguyễn Công Nhàn, Đình Tân Phước còn phối thờ các vị thần khác như: Tiên sư, Chánh Soái Đại Càn, Phước Đức Chánh thần, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tiền Quới Chức, Hậu Quới Chức. Sân đình có đàn Thần Nông, miếu Sơn Quân, miếu Ngũ Hành.


Ngành chức năng đánh giá Đình Tân Phước đủ tiêu chí di tích lịch sử cấp tỉnh

Trong quá trình khảo sát, tham mưu lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Đình Tân Phước, một số ý kiến cho rằng: tại Đình Tân Phước có thờ tượng thần Thành hoàng bổn cảnh trong khi hầu hết các đình ở Nam Bộ chủ yếu thờ một bài vị có đề chữ “Thần” viết bằng chữ Nho. Trao đổi vấn đề trên, Hội Khoa học lịch sử tỉnh khẳng định, việc thờ tượng thần Thành hoàng bổn cảnh ở Nam Bộ khá hiếm thấy. Tuy nhiên, ở một số đình vẫn có thờ cốt tượng Thành hoàng. Chẳng hạn như đình Phong Phú ở Phường 12, Quận 8, TP Hồ Chí Minh, hay Tượng ông thần làng Hòa An (tức Thành hoàng làng Hòa An) hiện đang gửi thờ tại Miếu Trời Sanh trong khuôn viên chùa Hòa Long, thuộc Phường 4, TP Cao Lãnh. Đồng thời khẳng định việc thờ tượng Thành hoàng bổn cảnh là một cách thể hiện niềm tin trong tín ngưỡng dân gian với vị phúc thần, không vi phạm quy định của Luật Di sản.

Từ năm 2013 đến nay, đình tiếp tục trải qua 2 đợt tu sửa: năm 1999 sửa hậu đình, năm 2010 sửa vỏ ca. Đình Tân Phước là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, là chỗ dựa tinh thần dân làng bao đời nay. Đình còn là một di tích lâu đời, gắn liền với quá trình khai hoang lập làng, nơi thờ tự Hùng Dõng tướng - Trí Thắng Nam Nguyễn Công Nhàn, một nhân vật lịch sử có nhiều công lao với đất Nam Kỳ. Đình còn là nơi diễn ra các nghi thức thờ cúng các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên Sư,... là những vị có công khai cơ lập nghiệp, giáo dục dân sinh. Đây là một truyền thống tốt đẹp thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc Tiền nhân. Mặc dù đình trải qua thời gian dài tồn tại với nhiều lần tu bổ nhưng vẫn giữ được kiến trúc truyền thống của đình làng Nam Bộ.

Từ những giá trị trên, qua tham chiếu các tiêu chí quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Điều 28 Luật Di sản văn hóa quy định phân loại di tích và Điều 11, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Đình Tân Phước đủ tiêu chí di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân). Bảo tàng tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích trong năm 2024.

D.C

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn