Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp với công tác phát huy giá trị đình làng

Cập nhật ngày: 22/01/2024 16:52:10

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240122045302dt2-8.mp3

 

ĐTO - Những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử (HKHLS) Đồng Tháp đã phối hợp tích cực thực hiện “Đề án phát huy giá trị đình làng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 453/QĐ-UBND-HC của UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành ngày 14/4/2021. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, Hội KHLS là đơn vị phối hợp thực hiện.


Đình Mỹ An Hưng (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) (Ảnh: L.T.Thuận)

Giai đoạn 2022 - 2023, Hội KHLS đã biên soạn lược sử đình làng trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh gồm: đình Long Hưng A (ấp Hưng Quới 1, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò), đình Phong Mỹ (Ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh), đình Hội An Đông (ấp An Phú, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò), đình Bình Thành (khóm Bình Thạnh 1, thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò), đình Mỹ An Hưng (ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò), đình Tân Phước (ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung), đình Vĩnh Thạnh (ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò), đình An Bình (Khóm 3, phường An Thạnh, TP Hồng Ngự), đình Tân Thạnh (xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình), đình Tân Quới (ấp Thượng, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình). Đồng thời trực tiếp phối hợp với địa phương biên soạn lược sử nhiều ngôi đình trong tỉnh như: đình Mỹ Thành (ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh), đình Mỹ Xương (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh), đình Bình Thạnh (ấp Bình Phú Lợi, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh), đình Tân Huề (ấp Tân Bình Thượng, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình)...

Việc biên soạn lược sử của các ngôi đình như trên là tiền đề cho các bước quan trọng tiếp theo, đặc biệt là công tác lập hồ sơ công nhận di tích theo danh mục kiểm kê di tích, trong đó lược sử di tích là một trong những cơ sở quan trọng được nghiên cứu đưa vào Lý lịch di tích trong bộ hồ sơ theo quy định. Riêng đối với công tác chuyên môn của Hội, các di tích sau khi được khảo sát, thu thập tư liệu trực tiếp (phỏng vấn, ghi chép), chụp ảnh sẽ được hoàn thiện, biên tập (chính văn, hình ảnh), phiên dịch Hán - Nôm (nếu có) và lập thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh để dùng cho công tác báo cáo, lưu trữ và nghiên cứu về sau. Kết quả đạt được, chỉ tính riêng trong 2 năm vừa qua, trong số các đình mà Hội hỗ trợ biên soạn lược sử, đã có các ngôi đình được công nhận Di tích cấp tỉnh gồm: đình Long Hưng A, đình Hội An Đông, đình Tân Thạnh, đình Bình Thành và gần nhất là đình Mỹ An Hưng và đình Phong Mỹ. Đó là sự nỗ lực không ngừng và thành tựu to lớn của các ngành chức năng, địa phương trong việc phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể của dân tộc, của tỉnh nhà.

Bên cạnh công tác biên soạn lược sử di tích, Hội KHLS còn phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị đình làng. Đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2023, Hội đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp thực hiện 7 chuyên mục với chủ đề đình làng Đồng Tháp như: đình Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) với phim tài liệu “Lễ xây chầu đại bội đình thần Phong Mỹ”, đình Thượng Văn (huyện Cao Lãnh) với phim tài liệu “Người Đồng Tháp - Thượng thư Bùi Đức Minh”, đình Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) với phim tài liệu “Người Đồng Tháp - Anh hùng áo vải Đồng Tháp Mười về quan Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu”, đình An Bình (huyện Cao Lãnh) với phim tài liệu “Người Đồng Tháp - Anh hùng áo vải Đồng Tháp Mười - Lãnh binh Trương Tấn Minh”, đình Hòa An (TP Cao Lãnh) với phim tài liệu “Chí sĩ Trần Trọng Khiêm”, đình Vĩnh Phước (TP Sa Đéc) với phim tài liệu “Người Đồng Tháp - Địa linh sanh nhân kiệt - Cai cơ Nguyễn Hữu Nhơn”, đình Long Khánh (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò) với phóng sự trong chương trình “Cửa sổ văn hóa - Tín ngưỡng thờ thần trong văn hóa đình làng”. Ngoài ra, một số bài khảo cứu về nhân vật lịch sử gắn liền với đình làng cũng đã được công bố trên các ấn phẩm chuyên ngành như: Đồng Tháp xưa & nay, Tạp chí Văn nghệ Đồng Tháp. Trong đó có các bài viết tiêu biểu như: nhân vật Trương Văn Tấn gắn liền với di tích đình Vĩnh Thạnh, Nguyễn Văn Nhơn và đình Tân Đông (ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên và đình Mỹ An Hưng...

Trong năm 2024, Hội KHLS tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tư vấn, hỗ trợ chuyên môn liên quan đến biên soạn lược sử, nhân vật lịch sử gắn liền với di tích và hỗ trợ phiên dịch Hán - Nôm trong đình làng. Ngoài ra, một số thành viên của Hội cũng đang tham gia Phân hội Văn nghệ dân gian tỉnh Đồng Tháp (trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh) thường xuyên sưu tầm, nghiên cứu và viết bài tìm hiểu về đình làng và phát huy giá trị đình làng nói riêng, văn hóa dân gian tỉnh nhà nói chung.

Lê Thành Thuận

(Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn