Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc luôn được trân trọng giữ gìn, phát huy giá trị

Cập nhật ngày: 07/12/2015 12:52:32

Khu di tích (KDT) Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng từ tháng 8/1975 - 1977. Năm 1990, KDT đã mở rộng thêm mô hình nhà sàn Bác Hồ và ao cá. Năm 2010, KDT Nguyễn Sinh Sắc đã đưa công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc” đi vào hoạt động.


Viếng, tham quan Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Sau nhiều lần tôn tạo, KDT Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một quần thể công trình lịch sử văn hóa lưu niệm nổi tiếng của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 9ha, trong đó có những hạng mục chính: vòm mộ, hồ sao, đền thờ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà kiếng (trưng bày cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh), nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc, mô hình nhà sàn Bác Hồ. Đáng chú ý là làng Hòa An - nơi Cụ Phó bảng đã từng sinh sống và an nghỉ lúc cuối đời, nay đã được tái hiện thành khu làng Hòa An xưa nằm trong khuôn viên KDT.

Những năm gần đây, hàng trăm loại hoa, cây cảnh được nhân dân trong và ngoài tỉnh hiến tặng để làm đẹp KDT Nguyễn Sinh Sắc, trong đó có các loại kiểng: tùng, bách, me, ngâu, mai, kim quýt, nguyệt quế, đinh lăng,... Đặc biệt trong KDT Nguyễn Sinh Sắc còn trồng nhiều loại bonsai kiểng cổ như cây khế trồng năm 1727 và cây sộp trồng từ năm 1688 do ông Ngô Văn Hay (thầy giáo Kỳ) ở Sa Đéc (Đồng Tháp) tặng. Năm 2014, hai cây này được công nhận là Cây Di sản Việt Nam và cũng là Cây Di sản đầu tiên của Đồng Tháp. Bên cạnh đó, trong KDT còn trưng bày 2 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ nguyên khối lớn nhất Việt Nam có hình trống đồng Đông Sơn và 9 đầu rồng; bản đồ Việt Nam, hoa sen và 12 con giáp.

KDT đã trở thành một trong những trọng điểm của tỉnh thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại KDT đã diễn ra nhiều cuộc sinh hoạt chính trị, truyền thống như lễ kết nạp Đảng, đoàn, đội, lễ báo công, lễ cắm trại sinh hoạt dã ngoại của các cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh. Nhiều đoàn sinh viên nước ngoài đã đến KDT viếng Cụ Nguyễn Sinh Sắc và tham quan KDT. Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã đến viếng và trồng cây lưu niệm. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, KDT Nguyễn Sinh Sắc đã đón tiếp chu đáo các đoàn khách đến viếng, tham quan với tổng lượt khách là trên 525 ngàn người, trong đó có gần 300 khách nước ngoài. Nhằm phát huy giá trị KDT, tại khu vực tái hiện làng Hòa An xưa, KDT tổ chức mở cửa phục vụ ẩm thực và tái hiện chợ làng quê xưa vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần từ 7 giờ đến 22 giờ. Tổ chức các hoạt động chuyên đề như trưng bày, triển lãm ảnh tài liệu về Cụ Nguyễn Sinh Sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đời sống sinh hoạt,...

KDT Nguyễn Sinh Sắc là di tích quan trọng về lịch sử văn hóa để mọi tầng lớp nhân dân tưởng nhớ đến Cụ Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước, người đã sinh thành và dưỡng dục nên vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với các mặt giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc và tiêu biểu, KDT Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một trong những khu, điểm du lịch hấp dẫn nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Hữu Nghĩa

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm Nhâm Tuất (1862) tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An trong một gia đình nông dân. Cha là Nguyễn Sinh Nhậm, mẹ là Hà Thị Hy. Lên 3 tuổi, mồ côi cha, 4 tuổi mẹ qua đời, Nguyễn Sinh Sắc phải về ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ. Năm 22 tuổi, cụ được nhà nho Hoàng Xuân Đường gả cô con gái lớn là Hoàng Thị Loan. Vợ chồng Cụ có 4 người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (mất lúc nhỏ). Năm 1894, Cụ đỗ cử nhân, năm 1901, Cụ đỗ Phó bảng, năm 1906 phải nhậm chức “Thừa Biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Trong thời gian làm quan, Cụ tìm gặp và kết thâm giao với các nhà nho yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Vương Thúc Quý, Trương Gia Mô,... Cụ luôn đứng về phía dân nghèo, trừng trị bọn cường hào ác bá. Vì vậy, từ vụ án một tên cường hào bị Cụ bắt giam, sau đó thả về rồi không lâu sau thì chết. Cụ Sắc bị Triều đình giáng cấp dưới hình thức “cải bổ kinh chức” (tức là đổi về làm quan tại kinh đô). Từ quan, Cụ đi thẳng vào các tỉnh phía Nam. Nam bộ là vùng đất mới phóng khoáng “Trọng nghĩa khinh tài” nên Cụ đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thành phần ở những nơi cụ đến. Năm 1917 và nhiều năm sau, Cụ thường lui tới hoạt động ở làng Hòa An, Cao Lãnh tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân. Cụ mất vào ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ nhằm ngày 27 tháng 11 năm 1929 dương lịch, hưởng thọ 67 tuổi tại làng Hòa An, Cao Lãnh.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn