Phát huy phong trào đọc sách trong cộng đồng - hình ảnh đẹp về văn hóa đọc

Cập nhật ngày: 14/04/2024 05:31:50

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240414053229dt2-1.mp3

 

ĐTO - Xác định văn hóa đọc là nội dung trọng tâm để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; cùng với sự năng động, sáng tạo hoạt động thư viện từ tỉnh đến cơ sở... tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu trong nội dung Đề án Phát triển văn hóa đọc của tỉnh Đồng Tháp.


Bà Đặng Thị Ngọc Hiền - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp trao bảng tượng trưng tặng “Tủ sách khuyến học” cho các đơn vị, địa phương

Qua 3 năm (2021 - 2023) triển khai thực hiện Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các sở, ngành tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể hóa nội dung thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện của từng địa phương và đạt được những kết quả khả quan.

Hiện toàn tỉnh có 1 Thư viện cấp tỉnh, 9 Thư viện huyện, 224 Phòng đọc sách xã, phường, thị trấn, tủ sách pháp luật, tủ sách câu lạc bộ... 215 Tủ sách khuyến học (trải đều tại 12/12 huyện, thành phố), 1 Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng Ba Tấn, 1 thư viện cộng đồng xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười), 1 Phòng đọc sách khu nhà ở tập thể công nhân Cadovimex II tại TP Sa Đéc; 1 điểm đọc sách, học tập và sinh hoạt văn hóa Khóm 1, Phường 6 (TP Cao Lãnh); Không gian đọc sách và tự học đặt tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp; 2 Tủ sách gia đình và 424 Thư viện trường học. Tất cả được bố trí cơ sở vật chất, tài nguyên thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa đọc. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện tạo nên sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường đọc, nghiên cứu, góp phần nâng cao tri thức của đông đảo Nhân dân.

Duy trì hoạt động Dự án Bill & Melinda Gate tại Thư viện tỉnh đạt 100%, Phòng đọc sách cấp huyện trung bình đạt 77% có trang bị máy tính phục vụ miễn phí, bình quân hằng năm đạt 100.000 lượt người truy cập internet miễn phí tại hệ thống thư viện công cộng; hệ thống thư viện giáo dục phổ thông phục vụ nhu cầu học tập và giải trí của học sinh đạt hơn 1,2 triệu lượt người/4.064.870 lượt tài liệu; học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học đạt 100%; người dân ở khu vực nông thôn, 25% người dân ở vùng xa, vùng biên giới được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại hệ thống thư viện công cộng, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành đạt 100%; tích hợp việc trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho học sinh trong các giờ dạy phù hợp với đặc thù của từng môn học và hoạt động giáo dục, rèn năng lực tự học, hình thành thói quen đọc sách, năng lực học tập suốt đời cho học sinh; mức hưởng thụ bình quân sách là 3,9 bản/người dân (vượt 30% so với kế hoạch); đạt 0,23 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng (đạt 92% so với kế hoạch); mỗi người dân trung bình đọc 3,85 cuốn sách/năm (vượt 28% so với kế hoạch); đạt 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 85% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn trở lên (100% thư viện các trường THCS, THPT đạt chuẩn trở lên, thư viện tiên tiến và xuất sắc là 20%); 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận thiếu nhi và người khuyết tật; số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện, phòng đọc sách, tủ sách... đạt gần 2,2 triệu lượt người/năm (vượt 28% so với kế hoạch).

Đến năm 2022, Thư viện tỉnh đã bổ sung và đạt được 244.911 bản sách (đạt 94,2% chỉ tiêu kế hoạch) và số hóa 49.307 trang tài liệu Địa chí tỉnh Đồng Tháp, đảm bảo 45 máy tính phục vụ internet, tra tìm tài liệu phục vụ người đọc (đạt 90% chỉ tiêu kế hoạch); đến 2023, có 3.000 thẻ đọc, mượn, 8.800 lượt người sử dụng thư viện trên không gian mạng (vượt 96% chỉ tiêu kế hoạch); các thư viện cơ sở đạt 132.115 bản sách (đạt 73% chỉ tiêu kế hoạch); có 6/9 thư viện huyện, thành phố có từ 10.000 bản sách, trong đó ít nhất 1.000 đầu sách, 10 đầu báo, tạp chí (bao gồm báo điện tử) được xử lý theo quy tắc nghiệp vụ thư viện (đạt 66% chỉ tiêu kế hoạch); 100% thư viện cấp huyện được Thư viện tỉnh phối hợp hỗ trợ phục vụ xe thư viện lưu động tại các xã biên giới và xã nông thôn mới.

Bên cạnh chú trọng công tác xã hội hóa, những năm qua, nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh tặng tài nguyên thông tin đạt 39.790 bản sách với tổng trị giá trên 1,9 tỷ đồng để trao tặng 215 “Tủ sách khuyến học” và “Tủ sách ánh sáng tri thức”. Đồng thời phát động các chương trình “Quyển sách tri ân”, “Quyển sách cũ, tấm lòng mới”, “Cùng xây ngôi nhà tri thức”... trung bình mỗi năm nhận 10.000 bản sách từ các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp biếu tặng bổ sung kho sách phục vụ bạn đọc...

Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất với chủ đề “Sách - Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc”; ngày 5/9/2022, UNESCO công nhận TP Cao Lãnh là thành viên mạng lưới các Thành phố học tập toàn cầu; Đường Sách TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - Đường Sách đầu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với mục đích phát huy ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Kết quả khả quan trên xuất phát từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên việc tổ chức triển khai hoạt động khuyến đọc, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh của lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên, chặt chẽ, đúng định hướng, phát huy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc, về vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xây dựng các mô hình học tập phù hợp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa hoạt động đọc sách trở thành một trong những nội dung quan trọng gắn với các ngày lễ, sự kiện của tỉnh, hình thành nét đẹp văn hóa đọc tỉnh nhà.

Trần Thắng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn