Trôi về đâu đó...

Cập nhật ngày: 05/11/2012 05:35:36

(Đọc tiểu thuyết Sông của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)

Một người bạn của tôi nhớ có trên mấy chục vụ mất tích trên dòng Di Giang, không tìm ra dấu vết mong manh nào sau những cuộc trôi lặng lẽ, u ám, ma mị giữa ngàn xanh châu thổ. Tôi không ngồi đếm lại những vụ mất tích đó, nó chỉ làm ta thêm miên man.


Một bạn văn khác bảo muốn “đi” với bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu. Một dòng tin ngắn trên blog cá nhân mà ai ghé vào, nhìn thấy đều hiểu bạn vừa nói đến Sông. Bạn yêu quý những chi tiết cuộn trào được “lẩy” ra sống động đến rợn người từ những vùng đất (dường như) còn thưa thớt dấu chân, cuồn cuộn dòng chảy của những con sông lúc yên ả, nhu mì, lúc dữ dội, oán thù triền kiếp... Bàng bạc cổ tích giữa đương đại 3G. Có gì đó rối rắm, hư ảo ngay từ đầu cuộc hành trình của nhân vật chính, nhân vật phụ và những nhân vật thoáng qua, mỏng như cơn gió... lẻ (của tác giả).

Một người bạn phương xa, không sống trên dải đất này châu thổ này, nói rằng chưa có điều kiện đọc nó, nhưng không thể “yêu” được những thứ mà báo mạng đã giới thiệu - như một dạng “trích yếu” về Sông. Mỗi bài viết cũng chỉ là những lát cắt mà thôi. Còn đầy rẫy ở đó những núi, hồ, rừng, biển; những phố xá rực ánh hào quang; những chòi lá, những xóm nhà ẩn khuất tuổi thanh xuân trên những vùng sình lầy, lau sậy mà bà Sông (hay còn gọi là sông Cái) có thể mang họ đi bất chợt. Ở đó, ốc Bụt cũng chưa hiền lành, nhân hậu lần nào cho nhân gian. Một chút hoang mang nếu người đọc không nhận ra tác giả đã nghiêng lòng se sắt với thân phận người khốn khó.

Có quá nhiều thứ chảy tràn qua từng địa danh, vừa lạ lẫm vừa như đâu đó quanh đây bên những bãi bờ phù sa sông nước. Cảm giác có thể nhìn thấy nó từ trên không trung mênh mang, hay từ những góc nhìn hẹp sau một vuông cửa xập xệ ven dòng sông nào đó ở miệt này. Không nên trách cứ hay...ném đá vào Sông. Sông đủ đau rồi. Sông gội rửa u buồn, sông cuốn trôi oán giận. Sông lặng lẽ vị nhân sinh...

Mượn cuộc đời của nhân vật đồng tính, những tình tiết hoan lạc và đôi chỗ trong tiểu thuyết tôi không thích, theo kiểu của mình. Nghĩ lại, có thể đó cũng chỉ là “kỹ thuật” mà bất cứ người viết nào cũng phải dụng đến - nhất là viết sách để... bán, để mưu sinh!

Điều tôi cảm thấy quý và góp nhặt miên man qua suốt hành trình này là thân phận con người rực lên dưới màu sông tê lạnh. Họa sỹ vẽ Sông đã không màng dùng đến những gam màu nóng. Nó bàng bạc như trăng khuya xao xác. Thế nhưng, ở đó, dù thực hay mê, nét văn hóa của miệt phù sa bờ bãi dọc triền Di cũng đáng để ghi thêm nhiều sâu đậm vào vốn hiểu biết còm cõi của tôi.

Tôi thích viết nhưng lười đi. Cũng có thể là chưa hề có điều kiện, nên chưa viết được gì là điều hiển nhiên. “Đi” và “trôi” trên miền - văn - học cũng có lúc tưởng chừng đã quên lãng trong một - vùng - tôi - khác...

Nguyễn Phạm Đình Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn