Đổi mới công tác dân số trong tình hình mới

Cập nhật ngày: 06/02/2018 06:17:07

ĐTO - Triển khai nghị quyết 21 về công tác dân số (DS) trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngành DS Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch đổi mới công tác DS trong tình hình mới. Kế hoạch đã đề ra mục tiêu trọng tâm và giải pháp cụ thể dựa trên tình hình thực tế địa phương.


Sàng lọc trước sinh, sơ sinh sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới

Tập trung nâng cao chất lượng DS

Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), thời gian qua, ngành DS tập trung giải quyết căn bản vấn đề số lượng về DS - KHHGĐ và đã thực hiện được mục tiêu giảm sinh. Tuy nhiên, chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh chất lượng DS nên ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), khám kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, (SLTS,SS) nạo phá thai,... ở vị thành niên còn hạn chế.

Vì vậy, hiện nay, chất lượng DS Đồng Tháp còn thấp: chỉ số phát triển con người (HDI) tuy từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp; tuổi thọ bình quân 73 tuổi nhưng tuổi thọ bình quân khỏe chỉ đạt 64 tuổi; các tố chất về tầm vóc, thể lực của người Đồng Tháp cũng hạn chế, đặc biệt chiều cao, cân nặng và sức bền; tỷ lệ DS bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% DS và số tích lũy hàng năm tiếp tục tăng lên, do số trẻ em sinh ra bị dị tật chiếm tỷ lệ cao 1,7% tổng số trẻ sinh ra.

Trước thực tế đó, ngành DS tỉnh đã xác định, thời gian tới, công tác DS Đồng Tháp sẽ chuyển mục tiêu trọng tâm từ giảm sinh sang mục tiêu nâng cao chất lượng DS. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, ngành đã xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại nâng cao kỹ năng và kỹ thuật xét nghiệm SLTS,SS cho cán bộ y tế các cấp trong tỉnh; kỹ năng truyền thông tư vấn cho đội ngũ y tế và cán bộ chuyên trách, đồng thời bổ sung trang thiết bị; duy trì hỗ trợ sàng lọc miễn phí cho các đối tượng ưu tiên và phối hợp mở rộng thực hiện chương trình xã hội hóa SLTS,SS cho các đối tượng không thuộc diện ưu tiên. Mặt khác, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm soát dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh trong bào thai và trẻ sơ sinh đến nhân dân, nhất là những người trong độ tuổi sinh đẻ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về lợi ích của SLTS,SS; 50% bà mẹ mang thai đồng ý tham gia sàng lọc trước sinh và 80% trẻ sơ sinh tham gia sàng lọc sơ sinh.

Công tác tư vấn và khám, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và chăm sóc SKSS vị thành niên cũng được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Bởi, tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai ở tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn,... trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng, điều này sẽ làm giảm chất lượng DS của thế hệ tương lai. Vấn đề này, ngành DS sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để hình thành, mở rộng mô hình giáo dục, truyền thông đặc biệt cho vị thành niên, thanh niên như: nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ, góc thân thiện tại các trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, các khu dân cư, khu công nghiệp và tại cơ sở cung cấp dịch vụ DS - SKSS.


Phấn đấu quy mô dân số đạt dưới mức 1,9 triệu người vào năm 2020

Duy trì mức sinh thấp, hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh

Theo ông Lê Văn Hùng: Công tác DS sẽ tập trung nâng cao chất lượng nhưng vẫn đảm bảo duy trì mức sinh thấp, hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh. Có như vậy mới phục vụ được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Đồng Tháp hiện đã duy trì mức sinh thấp hợp lý (TFR: 1,84 con) dưới mức sinh thay thế. Với tỷ suất sinh giảm, tỷ số giới tính khi sinh sẽ có khả năng tăng trong thời gian tới. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ kết hôn muộn và nhiều người không có khả năng kết hôn; gia tăng bất bình đẳng giới; lạm dụng và bạo hành giới, buôn bán phụ nữ/trẻ em gái,...

Về đuy trì mức sinh thấp, hợp lý, ngành DS sẽ đảm bảo hậu cần và cung cấp các phương tiện tránh thai, đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ. Về khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh sẽ tăng cường công tác truyền thông về những hệ lụy của lựa chọn giới tính khi sinh; quản lý chặt các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân trong việc nghiêm cấm chẩn đoán giới tính thai nhi. Tỉnh phấn đấu duy trì tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đặc biệt tập trung giảm ở các huyện có tình trạng mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng. Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ  là 1,9 con. Quy mô dân số đạt dưới mức 1,9 triệu người vào năm 2020.

Trước đây, truyền thông DS chủ yếu tập trung vào KHHGĐ nhằm giảm mức sinh, hạ thấp tỷ lệ phát triển DS, thực hiện quy mô gia đình nhỏ có từ 1-2 con. Hiện nay, công tác truyền thông về DS có thêm nhiệm vụ mới và quan trọng là nâng cao chất lượng DS, bởi chất lượng DS là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, Quốc gia. Giờ đây, việc xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng DS là một vấn đề cấp bách không chỉ riêng ở tỉnh ta mà mang tầm Quốc gia.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn