Ký sự: Trường Sa

Kỳ 1: Đến Trường Sa để thêm yêu Tổ quốc

Cập nhật ngày: 14/11/2014 13:34:43

Thật may mắn khi vào tháng 5 vừa qua tôi có dịp ra Trường Sa thăm quân và dân trên đảo. Với chuyến đi “để đời” đó, tôi đã có nhiều trải nghiệm và cảm nhận về tình yêu đất nước sâu sắc hơn bao giờ hết.


Chiến sĩ Nhà giàn DK1/21 ký tên trên “quà tặng” cho đất liền

 

Vượt sóng... đến đảo xa

Sau 3 hồi còi rúc lên chào tạm biệt đất liền, con tàu HQ 561 của Quân chủng Hải quân rời cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) đưa chúng tôi ra biển Đông bao la. Qua “cảnh báo” của nhiều đồng nghiệp đã từng ra Trường Sa công tác, tôi đã hình dung một chặng đường khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng say sóng bất cứ lúc nào. Vì vậy ngay từ khi tàu HQ 561 vừa xuất phát, tôi đã chủ động tìm gặp Thượng úy Thái Đàm Lương - phụ trách quân y của tàu để anh chỉ cho cách “chống” say sóng hiệu quả.

Bằng kinh nghiệm của mình, Thượng úy Lương cho biết, người đi biển muốn không bị say sóng trước hết phải có tâm lý vững vàng và bản thân không được sợ hãi, không suy nghĩ đến việc say sóng và nhất là phải ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa để cơ thể có được sức khỏe tốt.

Thời điểm chúng tôi đi Trường Sa dù chưa thật sự vào mùa mưa bão, nhưng lúc ra ngoài khơi xa, có không ít lần con tàu quân y to lớn - hiện đại nhất nhì Việt Nam đã bị sóng biển làm chòng chành, khiến nhiều thành viên trong Đoàn có dấu hiệu bị choáng và đầu óc cứ lắc lư theo nhịp lắc của tàu. Nhờ nghe theo lời khuyên của Thượng úy Thái Đàm Lương, tôi thích nghi được với tình trạng thân tàu bị sóng biển làm dập dềnh trong suốt chuyến đi. Đến nay, dù chuyến đi kết thúc đã lâu nhưng cái cảm giác bồng bềnh lúc ở trên tàu HQ 561 ra thăm Trường Sa vẫn còn nguyên trong tâm trí.

Một kỷ niệm có lẽ không riêng gì tôi mà với nhiều thành viên khác trong Đoàn công tác khi ra thăm Trường Sa đều ấn tượng đó là điệp khúc đánh thức toàn tàu vào các buổi sáng - trưa của chỉ huy tàu HQ 561. Ngày đầu tiên trên tàu, khi ai nấy đều đang ngủ thiếp đi vì mệt thì bất ngờ một giọng nói phát ra từ chiếc loa nhỏ trên tàu: “Hết giờ ngủ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”,... Ngay tức thì mọi người lồm cồm ngồi dậy theo hiệu lệnh, cho dù kim đồng hồ mới điểm 5 giờ sáng. Kết thúc giờ nghỉ trưa, điệp khúc đánh thức quen thuộc ấy lại lập lại làm cho hành trình đến với Trường Sa của chúng tôi càng thêm thú vị.

Giữa bốn bề biển nước, người mới lần đầu được đi biển dài ngày như tôi khó tránh khỏi cảm giác sợ sệt. Thế nhưng cảm giác ấy tan biến nhanh chóng bởi đội ngũ điều hành con tàu HQ 561 đều là những cán bộ, chiến sĩ hải quân rất giỏi về nghiệp vụ đi biển, họ đều còn rất trẻ, rất vui tính và rất hay cười, hay nói.

Thuyền trưởng của tàu HQ 561 là Đại úy Nguyễn Văn Cường (36 tuổi) quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa được đào tạo từ Học viện Hải quân. Với 12 năm kinh nghiệm đi biển, Đại úy Cường đã có 7 năm làm thuyền phó và 5 năm làm thuyền trưởng. Trước khi nhận nhiệm vụ làm thuyền trưởng tàu HQ 561 vào năm 2012, anh từng làm thuyền trưởng của tàu Trường Sa-12 với rất nhiều lần thực hiện việc đưa quân và dân ra Trường Sa an toàn.

Ngoài ra, tàu HQ 561 còn có đội ngũ cán bộ chỉ huy thuộc thế hệ 8X rất giỏi về chuyên môn như Đại úy Phạm Hồng Phú - Chính trị viên tàu (Sinh năm 1980); Thượng úy Nguyễn Hải Nam (Sinh năm 1981) và Trung úy Vũ Hồng Quân (Sinh năm 1988) là hai thuyền phó của tàu. Có các anh, chúng tôi thấy hành trình “cưỡi sóng” đến Trường Sa của mình an toàn hơn bao giờ hết.


Ấm áp tình quân dân trên đảo An Bang

Ấm áp tình quân dân

So với nhiều Đoàn công tác khác, dịp chúng tôi ra thăm quân và dân Trường Sa gặp thời tiết tương đối thuận lợi, do đó tất cả 11 đảo nổi, đảo chìm và Nhà giàn DK1 có trong lịch trình đều được cập bến.

Tại mỗi nơi đến, chúng tôi cảm nhận cuộc sống của quân và dân trên đảo diễn ra thật yên bình, hạnh phúc, trái ngược hoàn toàn với tình cảnh biển Đông đang “dậy sóng” do Trung Quốc đang ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta (tháng 5/2014).

Đến thăm đảo Trường Sa Lớn đúng lúc ngày mới bắt đầu với những tia nắng lung linh. Được đặt chân lên đảo, tận mắt nhìn ngắm, ai nấy trong Đoàn cũng đều tự hào và phấn khích vì sự khang trang, tươi đẹp của hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Xen lẫn những lối đi rợp bóng cây xanh trên đảo là những công trình được xây dựng bề thế, to đẹp như: Nhà khách Thủ đô, chùa Trường Sa, Đền thờ Bác Hồ, Bưu điện, Trạm xá, trường Tiểu học, UBND thị trấn Trường Sa,... Xa xa là dãy nhà dân được xây dựng theo lối kiên cố, vững chải.

Chúng tôi thật ấn tượng với quân và dân nơi đây. Tất cả họ đều là những người cần cù, chăm chỉ và căng tràn sức sống. Giữa biển xanh bất tận, đầy nắng, đầy gió, quân và dân trên đảo là một tập thể gắn kết với ý chí kiên cường và tinh thần sẵn sàng lao động, chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến thăm nhà anh Tô Hoài, quê ở tỉnh Nghệ An. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng chúng tôi được chủ nhà đón tiếp thân thiết như anh em ruột thịt. Anh Tô Hoài cho hay, từ khi là công dân của đảo Trường Sa Lớn đến nay, cuộc sống của gia đình được cải thiện đáng kể. Ngoài tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, vịt,... anh còn tham gia đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa đầy ắp tôm cá. Ngoài ra, anh còn tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để tuần tra, canh gác bảo vệ đảo. Anh Tô Hoài cho biết: “Ở đây quân và dân xem như anh em một nhà nên khi nào đánh bắt có nhiều cá là tôi mang chia sẻ cho bộ đội. Trong lúc đánh bắt cá có sự cố gì các anh bộ đội cũng hỗ trợ cho mình. Lúc đầu khi ra đảo còn bỡ ngỡ lắm, nhưng được các anh động viên, giúp đỡ mình thấy rất an tâm”.

Không riêng gì đảo Trường Sa Lớn, tất cả những nơi chúng tôi đến thăm đều thấy ấm áp tình nghĩa quân - dân. Có đảo, dù nguồn nước ngọt chủ yếu phải dựa vào nước mưa để sinh hoạt, các chiến sĩ phải sử dụng rất tiết kiệm, sử dụng xong một lần các anh còn tận dụng lại từng giọt nước để tưới rau. Tuy nhiên, khi nghe tin Đoàn công tác từ đất liền ra thăm, các anh bày cho 3 chậu nước lớn cho chúng tôi rửa mặt,... thật xúc động.

Tương tự, ở Nhà giàn DK1/21, dù công tác giữa nơi bốn bề biển nước nhưng thứ hiếm nhất của các chiến sĩ Nhà giàn DK1 đó là nước ngọt. Mùa khô để có đủ nước ngọt sinh hoạt, các anh sử dụng rất dè xẻn, tuy nhiên khi ngư dân cần là các anh sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Thiếu tá Kim Văn Mệnh - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/21 cho biết: “Tuy nguồn nước ngọt ở Nhà giàn có hạn nhưng khi ngư dân cần là chúng tôi chia sẻ. Giúp đỡ được họ anh em cảm thấy rất vui”.

Ngày chúng tôi đặt chân lên Nhà giàn DK1/21, mọi người được tiếp đón ân cần, chu đáo. Vài giờ lưu lại trên Nhà giàn chỉ trôi qua trong tít tắc, không có nhiều thứ quý giá để các chiến sĩ trên Nhà giàn làm quà tặng cho đất liền, chỉ có những vỏ ốc hoặc mảnh san hô hay những cái nắm tay siết chặt,... nhưng đó là thứ quà tặng rất quý giá. Khi chia tay Nhà giàn, ai nấy cũng thấy bịn rịn và lưu luyến.

Có mặt ở quần đảo Trường Sa, điều mà nhiều người rất dễ nhận thấy đó là tinh thần vượt lên trên mọi gian khó của quân và dân nơi đây. Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, họ luôn luôn nêu cao ý thức tự rèn luyện quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi một cá nhân công tác và sinh sống ở Trường Sa là tấm gương để người dân đất liền học tập noi theo để có thêm niềm tin vượt khó lao động, sản xuất nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phú Thuận

(Còn tiếp)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn