Mùa nắng, cảnh giác với bệnh dại
Cập nhật ngày: 06/04/2019 06:27:07
ĐTO - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình hàng năm toàn tỉnh tiêm ngừa cho khoảng 30 ngàn trường hợp bị chó, mèo cắn, cao điểm thường vào mùa nắng (tháng 5 đến tháng 8 hàng năm). Những năm gần đây, trường hợp tử vong do bệnh dại giảm đáng kể, 1 trường hợp bệnh gần đây nhất là vào năm 2017. Tuy nhiên, không vì vậy mà người dân chủ quan với công tác phòng ngừa, bởi đây là bệnh hết sức nguy hiểm không có thuốc đặc trị.
Đề phòng bệnh dại, mọi nười nên hạn chế tiếp xúc với chó mèo và nên tiêm phòng dại cho chó mèo
Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên, thường tác động lên hệ thần kinh con người. Bệnh dại lây truyền từ động vật mang virus dại sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).
Thông thường thời kỳ lây truyền bệnh dại ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày trước khi chết và trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày trước khi có biểu hiện dại thì virus dại đã thải ra đến tuyến nước bọt của con vật. Vì vậy, nếu bị cắn trong giai đoạn này vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù tại thời điểm bị cắn thấy chó, mèo vẫn bình thường. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Tuy nhiên, có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.
Theo bác sĩ Hận, các động vật máu nóng như: chó, mèo, heo, chuột,... đều có khả năng mắc bệnh dại và truyền cho người khi nó cắn, cào, liếm (nhất là chó, mèo). Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục từ 10 - 15 phút để diệt và đẩy virus ra khỏi vết thương.
Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn và tiếp tục rửa lại vết thương bằng cồn, hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và chỉ định có tiêm phòng hay không. Thông thường, vết thương nhẹ sẽ được xử lý bằng cách tiêm vắc-xin và theo dõi tình hình con vật cắn. Nếu sau 10 ngày con vật cắn vẫn sống khỏe mạnh bình thường thì chỉ cần tiêm ngừa đến mũi thứ 3. Đối với vết thương sâu và vết thương ở những vùng nguy hiểm như vùng đầu - mặt - cổ, đầu chi là những nơi có nhiều dây thần kinh, thì ngoài tiêm vắc-xin sẽ tiêm thêm huyết thanh kháng dại và tiêm vắc-xin đủ liều đến mũi thứ 5.
Phòng bệnh dại, mọi người nên hạn chế nuôi cũng như tiếp xúc với chó, mèo; nuôi chó phải nhốt lại, khi dẫn ra đường phải rọ mõm lại, đặc biệt nuôi chó phải đăng ký với địa phương và phải tiêm ngừa dại cho chó đầy đủ. Nếu tiêm phòng cho chó chỉ mất khoảng 30.000 đồng/con, nhưng nếu người bị cắn phải điều trị dự phòng thì tốn 1,5 - 2 triệu đồng/người lại còn nguy hiểm đến tính mạng nên chúng ta hãy chủ động phòng dại từ chó, mèo,...
Theo Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), thực hiện phòng dại từ chó, mèo, Chi cục tiến hành tiêm ngừa dại cho chó quanh năm và hàng năm đều tổ chức đợt tiêm chủng tập trung phòng bệnh dại cho chó, mèo tại 144 xã, phường trên toàn tỉnh. Hiện nay, ước toàn tỉnh có khoảng 28.000 - 30.000 con chó được nuôi. Từ đầu năm đến nay, đã tiêm được trên 6.700 con và công tác tiêm phòng bệnh dại vẫn đang được tiếp tục tăng cường. Tỷ lệ tiêm phòng hàng năm còn thấp, đạt khoảng trên 40%. Nguyên nhân là do người nuôi chưa ý thức được tác hại của bệnh cũng như việc tiêm phòng cho vật nuôi nên ít quan tâm tới vật nuôi, thường thả rông chó, mèo. |
BÍCH LIỄU