Huyện Hồng Ngự

Nhiều mô hình, đề án phát huy hiệu quả góp phần nâng cao đời sống người dân

Cập nhật ngày: 12/07/2021 10:05:13

ĐTO - UBND huyện Hồng Ngự đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với thực tế địa phương trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó củng cố, phát huy hiệu quả hoạt động phát triển các mô hình đề án, chương trình gắn với các lĩnh vực việc làm, tạo thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống người dân.


Hợp tác xã rau Long Thuận - một trong các mô hình được hỗ trợ phát triển tại địa phương

Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo các ngành chú trọng việc áp dụng các chính sách hỗ trợ đối với các chương trình, đề án gắn với các lĩnh vực được triển khai tại địa bàn. Qua đó, từ đầu năm 2021 đến nay, huyện có 5 mô hình khởi nghiệp tiêu biểu được hỗ trợ phát triển và tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn như mô hình: trồng nấm rơm (xã Long Khánh B), trồng rau thủy canh (xã Phú Thuận A), trồng hoa Atiso đỏ (thị trấn Thường Thới Tiền), du lịch sinh thái Tiên Định (xã Phú Thuận A) và mô hình du lịch vườn nho Ba Tuấn (xã Long Khánh B). Đặc biệt Cơ sở du lịch sinh thái Tiên Định được UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng điểm ăn uống kết hợp với bán hàng đặc sản.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn Hồng Ngự đã tổ chức 2 đợt sinh hoạt Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trồng rau thủy canh trong nhà màng và trồng nấm rơm. Trong năm 2021, Huyện đoàn Hồng Ngự cùng các cơ sở Đoàn trực thuộc đã triển khai các giải pháp hỗ trợ 2 thanh niên đi lao động nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng về nước lập nghiệp tại địa phương, 10 mô hình thanh niên khởi nghiệp và thanh niên làm kinh tế với các mô hình như: nuôi ốc bươu và cung cấp con giống, nuôi cá, cơ sở may, sản xuất khô cá lóc và mắm, sản xuất cây giống các loại... Các đơn vị đoàn trực thuộc đã khảo sát 12 mô hình thanh niên khởi nghiệp và mô hình thanh niên làm kinh tế tại các xã, thị trấn. Căn cứ vào nhu cầu phát triển thực tế, đã xét và trao hỗ trợ vốn khởi nghiệp, làm kinh tế cho 4 thanh niên với số tiền 200 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng 20 phần quà cho 20 thanh niên do đoàn hỗ trợ thoát nghèo năm 2020.

Ngoài ra, trong danh mục các đề án được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ đợt 1/2021, huyện Hồng Ngự có 4/6 hồ sơ được xét hỗ trợ gồm: Cơ sở bún Vĩnh Phúc; Hợp tác xã rau Long Thuận; cơ sở Bánh kẹo Thành Lập; cơ sở Liên Vững Nấm... Căn cứ vào Kế hoạch về phát triển doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp huyện Hồng Ngự năm 2021, UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn tư vấn, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là các chính sách ưu đãi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn thời gian nộp các loại thuế năm 2021,...

Đến tháng 6/2021, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cùng các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn đã vận động được 546/1.089 lao động chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, đạt 50,13% kế hoạch năm. Đồng thời phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho hơn 1.300 lao động, đạt 51,34%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,3/63% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 50,21/51%). Qua vận động, tuyên truyền, toàn huyện có 20 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, hiện có 54 lao động trúng tuyển, 59 lao động đang học định hướng. Toàn huyện mở được 3/10 lớp đào tạo nghề nông thôn gồm các lớp đan ghế nhựa tại xã Thường Phước 2 với 30 học viên; lớp đàn cổ nhạc, xã Phú Thuận B có 12 học viên theo học và lớp nữ công gia chánh, thị trấn Thường Thới Tiền có 20 học viên tham gia. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học có việc làm trên 90%.

Tạo việc làm cho người dân tại các làng nghề truyền thống, UBND huyện và các ngành liên quan đã củng cố, phát triển các làng nghề như làng nghề dệt choàng tại xã Long Khánh A theo hướng duy trì, khai thác gắn với phát triển du lịch với 56 hộ tham gia, 56 khung dệt các sản phẩm chủ yếu bán cho các khu, điểm du lịch có thêm thu nhập ổn định. Người dân Hồng Ngự với sự đồng hành của chính quyền các cấp đã khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng gắn các làng nghề thông qua xây dựng sản phẩm đặc trưng như: khô Tiến Phương, cá thát lác rút xương Tuấn Cường, rượu sâm Bảo Thanh, rau an toàn Long Thuận, bún Tú Trinh... Đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 4 Hội quán: Tâm Việt hội quán (xã Thường Phước 2); Hội quán Làng Bè (xã Long Thuận); Hội quán nuôi lươn Thường Phước (xã Thường Phước 1); Hội quán làm vườn – sinh vật cảnh (xã Long Khánh A). UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ Ban Chủ nhiệm Hội quán xây dựng trang web Hội quán nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm của địa phương...

Phát huy những ưu thế tại địa phương, UBND huyện và các ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, kịp thời định hướng, chú trọng liên kết trên các lĩnh vực, kết nối phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị tài nguyên, văn hóa của địa phương.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn