Xã Long Thuận

Thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 21/01/2015 14:08:54

Năm 2013, xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) có 5.065 hộ dân, trong đó có 517 hộ nghèo, chiếm 10,21%, 432 hộ cận nghèo, chiếm 8,53%. Nhờ triển khai tốt công tác giảm nghèo, cuối năm 2014, toàn xã có 176 hộ nghèo thoát nghèo, đưa số hộ nghèo cuối năm giảm còn 345 hộ, chiếm 6,81% (giảm 3,4% so với năm 2013).


Tổ sơ chế rau ở Long Thuận góp phần giải quyết việc làm cho nhiều bà con trên địa bàn xã

Để đạt kết quả trên, ngay từ đầu năm 2014, xã đã xây dựng kế hoạch, chương trình giảm nghèo chi tiết, cụ thể theo từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo để đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Cụ thể, với những hộ nghèo chí thú làm ăn, muốn kinh doanh, sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt) nhưng không có vốn, Ban giảm nghèo xã hướng dẫn, hỗ trợ hộ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để họ áp dụng vào sản xuất; định hướng kinh doanh phù hợp cho những hộ muốn vay vốn kinh doanh,... để các hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Trong năm 2014, xã đã giới thiệu cho 67 hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để sản xuất, chăn nuôi,... với tổng số tiền trên 980 triệu đồng. Nhiều hộ đã sử dụng vốn vay hiệu quả và có cuộc ổn định. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Na ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, trong niềm vui thoát nghèo, anh Na chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi nằm trong khu sạt lở, gia đình lại không có ruộng đất, chỉ sống nhờ vào nghề bơm, vá xe của tôi. Kinh tế gia đình lúc đó vô cùng khó khăn, thiếu trước hụt sau. Nhờ chính quyền địa phương bố trí vào ở trong cụm tuyến dân cư và hỗ trợ vốn vay 10 triệu đồng, tôi đã trích ra một số vốn mướn đất rẫy trồng hành lá, củ cải và tiếp tục nghề bơm vá xe; số tiền còn lại vợ tôi mở tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà bán cho bà con trong xóm. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình được cải thiện, kinh tế ổn định, hiện tại gia đình tôi đã được công nhận thoát nghèo”.

Đối với những hộ có lao động nhưng thiếu việc làm hoặc có nhu cầu học nghề, xã tiến hành tổ chức các lớp đào tạo nghề như: đan ghế nhựa, may công nghiệp,... đồng thời giới thiệu cho lao động đi làm việc ở các cơ sở trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, xã còn đẩy mạnh phong trào đóng góp “Quỹ vì người nghèo” huy động nguồn kinh phí xã hội hóa từ các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương hỗ trợ người dân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ: y tế, giáo dục, hỗ trợ xây cất nhà,...để hộ nghèo được an tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Bà Phạm Thị Nhiệm ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận là một trong những hộ được chính quyền địa phương vận động hỗ trợ nhà và giới thiệu việc làm, nay có cuộc sống ổn định, bà cho biết: “Nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng không ai có việc làm ổn định, làm thuê ngày có ngày không, nhà thì hư hỏng nặng, dột nát, trống trước trống sau. Năm 2011, mẹ con tôi được chính quyền hỗ trợ cất được ngôi nhà và giới thiệu việc làm. Nay con trai tôi đi làm công nhân ở TP.Hồ Chí Minh với mức lương 4 triệu đồng/tháng, tôi thì được giới thiệu vào tổ sơ chế rau của xã, ngày thu nhập cũng được vài chục ngàn đồng. Cuộc sống đã ổn định hơn trước rất nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Phết - Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục củng cố, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo, đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chương trình giảm nghèo; tăng cường công tác tuyên tuyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến người nghèo để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của chính bản thân người nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục huy động nguồn vốn vay của NHCS để hỗ trợ hộ nghèo làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Chí Trung

 

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn