Thực hiện nhiều giải pháp về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021

Cập nhật ngày: 07/06/2021 06:40:34

ĐTO - Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Tại điểm cầu Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn chủ trì.


Quang cảnh hội nghị trực tuyến

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thời gian qua, tình hình thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; hơn 3.400 nhà sập, trên 333 ngàn nhà bị hư hại, tốc mái; hơn 198 ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 ngàn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên 39 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của Nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực...

Mặc dù thiên tai năm 2020 diễn ra dồn dập và hết sức khốc liệt cùng với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhưng công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.

Trong năm, các ngành, các cấp đã tích hợp tự động vào hệ thống cơ sở dữ liệu gồm: rada thời tiết, thiết bị dự báo khí tượng, thiết bị đo mưa... Triển khai xây dựng hơn 9.290km đê, 919 kè, gần 1.500 cống; trên 31 ngàn km đê và bờ bao; 419 đập dâng và 6.336 hồ chứa thủy lợi; 66 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; 1.850 trạm đo khí tượng thủy văn, hải văn. Đồng thời triển khai các dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8, Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long WB9; đầu tư nâng cấp hồ chứa nước Bản Mồng; hồ Tân Mỹ - Ninh Thuận; hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (giai đoạn 1)...

Ngoài ra, tính đến hết năm 2020, chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện giai đoạn 1 và 2 đã hoàn thành với 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư, đảm bảo cho 191 ngàn hộ dân vùng ngập lũ có nơi ở ổn định. Tính đến nay đã có hơn 19 ngàn hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn. Chương trình bố trí dân cư những năm qua đã di chuyển trên 34 ngàn hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai...

Tại hội nghị, các cấp, các ngành cũng đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị. Cụ thể, đề nghị Chính phủ tăng ngân sách để đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn như: máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn, tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển cỡ lớn, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển và thời tiết phức tạp; mua sắm các trang thiết bị làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cấp cho các vùng, miền trọng điểm dự kiến xảy ra các tình huống sự cố, thiên tai phức tạp dự trữ theo phương châm “4 tại chỗ” để khi xảy ra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương xây dựng các công trình trên địa bàn gắn với công tác phòng, chống thiên tai, quy hoạch khu dân cư ở các vị trí an toàn, xây dựng các công trình tránh, trú cho Nhân dân trong mùa mưa bão. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cấp bách và lâu dài về lập bản đồ phân vùng, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét tỷ lệ lớn. Qua đó, để giúp Chính phủ cũng như các địa phương có thể nắm bắt hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho Nhân dân...

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn