Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ sức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài

Cập nhật ngày: 27/10/2020 06:04:52

ĐTO - Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện đúng theo các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương, có nhiều đổi mới, nhất là việc rà soát, bổ sung quy hoạch hàng năm bảo đảm đúng quy trình, thời gian. Đồng thời chú trọng việc phát hiện, bổ sung cán bộ trẻ, nữ, có năng lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa.


Đoàn công tác của tỉnh đánh giá cao các cấp ủy trên địa bàn huyện Tam Nông tích cực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, thị trấn

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy huyện (tương đương) đều tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Thực hiện Quy định số 01-QĐi/TU ngày 22/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đã kịp thời kiện toàn, bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời phê duyệt quy hoạch cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và ngành tỉnh theo đúng quy định.

Việc điều động, bổ nhiệm, chỉ định, giới thiệu bầu cử đối với cán bộ được thực hiện đúng quy trình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm và từng bước đi vào nền nếp. Các bước xét chọn, cử cán bộ đưa đi đào tạo thực hiện ngày càng chặt chẽ, đúng yêu cầu, tiêu chuẩn; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch về mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, Trưởng khóm. Theo đó, toàn tỉnh có 701 đồng chí là Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, khóm thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (chia thành 6 lớp ở 3 cụm) tham gia học tập.

Nội dung chương trình bồi dưỡng bảo đảm cập nhật kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu với chức trách, nhiệm vụ được giao, phù hợp tình hình và yêu cầu của từng địa phương; vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần phục vụ Nhân dân. Công tác kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; kiểm điểm tự phê bình và phê bình đi vào chiều sâu, tập trung kiểm điểm làm rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phong cách, lề lối làm việc. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm hơn đối với chức trách và nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức (theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Qua thực hiện, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trên các lĩnh vực (trên 140 mô hình) và nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (các cấp ủy đã biểu dương, khen thưởng 937 tập thể và 5.406 cá nhân tiêu biểu). Công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về gương “Người tốt, việc tốt” với nhiều nội dung, hình thức phong phú.

TIẾN ĐẠT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn